So với các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh, Phú Giáo là huyện có ngành công nghiệp khá khiêm tốn. Ngay cả trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện cũng xác định sẽ xây dựng huyện Phú Giáo trở thành huyện nông thôn mới có nền nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, những năm qua, cùng với việc phát triển nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện Phú Giáo cũng luôn quan tâm đến sự phát triển và hiệu quả nền công nghiệp của địa phương. Theo đó, huyện đề ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp, phát triển công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.
Cụm công nghiệp Tam Lập được xây dựng sẽ tạo “cú hích” cho ngành công nghiệp huyện Phú Giáo phát triển Ảnh: HẢI SÂM
Công nghiệp chuyển biến tích cực
Những năm qua, ngành công nghiệp của huyện Phú Giáo chiếm tỷ trọng nhỏ so với các địa phương khác trong tỉnh. Tuy vậy, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã có những bước chuyển biến tích cực, đúng hướng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2015, ngành công nghiệp của huyện có những bước tăng trưởng mạnh và duy trì ổn định, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,1%. Điều đáng nói là sự tăng trưởng của ngành công nghiệp huyện đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có trên 470 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với hơn 2.830 lao động; trong đó có 5 doanh nghiệp Nhà nước, 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân. Trong năm 2015, tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của huyện đạt gần 2.360 tỷ đồng.
Trên tinh thần chủ động, chú trọng nâng cao hiệu quả, giá trị của ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế của Huyện ủy, UBND huyện, những năm qua cơ cấu kinh tế của huyện Phú Giáo đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần và tỷ trọng công nghiệp gia tăng. Nếu như năm 2011, trong cơ cấu kinh tế của huyện nông nghiệp chiếm tỷ trọng 44%, công nghiệp chiếm tỷ trọng 30,4% thì đến năm 2015, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 40,5%, công nghiệp tăng lên 31,5%. Bên cạnh đó, cơ cấu thành phần kinh tế của huyện cũng có sự thay đổi nhanh, với nhiều thành phần kinh tế, gồm: Kinh tế quốc doanh, kinh tế tư doanh, kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế trang trại ngày càng phát triển với nhiều mô hình hiệu quả.
Tạo sự đột phá để phát triển công nghiệp
Ngành công nghiệp của huyện Phú Giáo đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo có Cụm công nghiệp Tam Lập với quy mô gần 200 ha. Huyện cũng đã lập đề án và được tỉnh phê duyệt một khu công nghiệp với quy mô 500 ha. Dự kiến tới đây, huyện sẽ hình thành 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 307 ha và 1 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.000 ha. Đây là cơ sở để ngành công nghiệp của huyện phát triển đột phá trong thời gian tới.
Để phát triển hiệu quả ngành công nghiệp, trong thời gian tới huyện Phú Giáo sẽ tập trung hoàn chỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; cùng với đó là đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa nông thôn. Huyện cũng chú trọng việc sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, từng bước chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương; đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch và tiện lợi để thu hút đầu tư có hiệu quả...
Huyện Phú Giáo cũng sẽ quan tâm phát triển vùng rau quả tập trung chất lượng cao để cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; khuyến khích liên doanh, hợp tác đầu tư xây dựng các cơ sở có công nghệ và thiết bị hiện đại chế biến rau quả xuất khẩu. Điều quan trọng nữa là địa phương sẽ chú ý phân bổ không gian phát triển công nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương như: Xây dựng khu công nghiệp sạch, có hàm lượng công nghệ cao và các ngành công nghiệp phụ trợ ở Tam Lập; gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị và dịch vụ, công nghiệp khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu ở Vĩnh Hòa, Phước Hòa…
HẢI SÂM