Bài 1: Rừng thiêng vang vọng lời thề
LTS: Cách đây 75 năm, vào ngày 22-12-1944, tại cánh rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) anh hùng được thành lập. Từ một đội quân với 34 chiến sĩ ban đầu ấy, trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, QĐNDVN, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng dân tộc làm nên biết bao chiến thắng vẻ vang: Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (1945), Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu (1954), Đại thắng Mùa xuân 1975... thống nhất non sông, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Lời thề cứu quốc dưới tán rừng già
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập QĐNDVN, nhóm phóng viên, biên tập viên của Báo Bình Dương có dịp về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia rừng Trần Hưng Đạo. Từ thành phố Cao Bằng, vượt quãng đường hơn 60 cây số quanh co khúc khuỷu, chúng tôi đến khu di tích khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo phân bố trên địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám của huyện Nguyên Bình, là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ bao gồm 5 điểm di tích: Di tích khu rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; Vạ Phá, xã Tam Kim và di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám.
Bức phù điêu với hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ tại cổng Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: CAO SƠN
Hôm đoàn chúng tôi đến thăm, tại quảng trường lớn của khu di tích, các nhân viên đang tất bật chỉnh trang, tu sửa những hạng mục để chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm 75 Ngày thành lập QĐNDVN sẽ được tổ chức tại đây. Theo chân Đoàn Thị Hồng Hạnh, cô gái vùng cao người dân tộc Tày xinh xắn, hướng dẫn viên của khu di tích, bước nhẹ trên con đường dưới tán rừng già xanh mát, chúng tôi được nghe những câu chuyện về sự kiện lịch sử cách đây 75 năm. Những trang sử đầu tiên về QĐNDVN cứ thế tràn về qua những lời giới thiệu của người nữ hướng dẫn viên này trong suốt quãng đường đi với hơn 500 bậc tam cấp lên tới đỉnh Slam Cao, nơi mà đồng chí Võ Nguyên Giáp từng lên quan sát để tìm cách đánh đồn 2 Phai Khắt, Nà Ngần ngay sau khi Đội VNTTGPQ được thành lập.
Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội VNTTGPQ” nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, tuyên truyền hơn tác chiến… Nó là đội tuyên truyền... đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, Đội VNTTGPQ đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao - Bắc - Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của QĐNDVN anh hùng. Chỉ có 34 người với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên trung, dũng cảm hội tụ từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân - họ là con em đồng bào các dân tộc Cao - Bắc - Lạng có lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc; cùng một ý chí sắt son gắn kết thành một khối vững chắc, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để đánh đuổi kẻ thù xâm lược đang giày xéo quê hương.
Về sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng kể lại: “Giữa mùa đông khí trời non cao lạnh buốt, trên một khoảnh đất rộng giữa khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp, Đội VNTTGPQ lần đầu tiên tập hợp đội ngũ chỉnh tề dưới lá cờ đỏ thắm. Đại diện Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Dao của hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt đoàn thể tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ và vạch rõ nhiệm vụ của đội với Tổ quốc”.
Sau lời tuyên bố của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đại diện Liên Tỉnh ủy đọc thư chúc mừng, đại diện các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương cũng lên chúc mừng đội bằng những lời cảm động, đầy tin tưởng và thương yêu. Kế đó, lễ tuyên thệ của đội diễn ra. 10 lời thề danh dự đã được chính đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc vang lên lần lượt cùng những cánh tay vung lên, hô vang: “Xin thề! Xin thề!”.
Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh… của người chiến sĩ cách mạng. Đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Hiện nay, tại vị trí thành lập Đội VNTTGPQ trong cánh rừng Trần Hưng Đạo, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng một bức phù điêu có khắc hình ảnh 34 chiến sĩ tiên phong của QĐNDVN. Bên trong khu đền, có bia đá được tạc trang trọng, đặt ở vị trí trung tâm, 4 mặt khắc toàn văn bản chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 10 lời thề danh dự của đội do Người trực tiếp biên soạn và danh sách 34 chiến sĩ. Cách bia đá vài chục mét là hai lán ăn nghỉ của 34 chiến sĩ cũng được phục dựng cùng với mó nước, nơi các chiến sĩ thường xuống lấy nước sinh hoạt.
Đỉnh Slam Cao sừng sững
Từ chân núi, vượt qua hơn 500 bậc đá, có những đoạn thẳng đứng, phải mất khoảng 20 phút chúng tôi mới đặt chân lên đỉnh Slam Cao, đỉnh cao nhất của núi Dền Sinh. Từ đây có thể quan sát các hướng, nhìn thấy đồn Phai Khắt, làng Phai Khắt, núi Thẳm Khẩu, đồn Nà Ngần, đồn Benle bên đường số 3B trên đường đến đèo Cao Bắc, nên đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội VNTTGPQ đã nghiên cứu đặt trạm quan sát. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp quan sát để đưa ra các phương án đánh đồn Phai Khắt với quyết tâm đánh trận đầu phải thắng.
Hôm chúng tôi đến, một đài quan sát quy mô lớn đã được xây mới hoành tráng chuẩn bị khánh thành và đưa vào sử dụng. Phóng tầm mắt ra xa, giữa núi non trùng điệp, giữa tiếng lao xao của núi rừng chúng tôi như nghe vang vọng những lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những chiến sĩ Đội VNTTGPQ cách đây 75 năm. Đó là lời thề của cả một dân tộc, một thế hệ quyết không chịu áp bức bóc lột, vùng lên đánh đuổi bạo cường quyết giành lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Chúng tôi cũng không quên ghé thăm Nhà trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Nhà trưng bày xây dựng theo kiểu nhà sàn hai tầng, bên trong trưng bày các hiện vật quý như lá cờ đỏ sao vàng được nhân dân xã Tam Kim giương cao trong cuộc mít tinh ở Lũng Chí, Hoa Thám năm 1942; đèn dầu; cối xay đá; vũ khí; quần áo của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng cung cấp cho Đội VNTTGPQ trong những ngày đầu mới thành lập. Tại đây, chúng tôi đã cùng nhau thành kính thắp những nén nhang thơm trong Khu nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng biết ơn sâu sắc.
Giữa cánh rừng thiêng, trong không khí trang nghiêm tại nhà tưởng niệm, hình ảnh “người anh cả” của QĐNDVN như hiện lên sống động trước mắt và âm vang 10 lời thề danh dự mà 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ tuyên thệ năm xưa lại vọng về... (còn tiếp)
CAO SƠN - THÀNH SƠN