.Quân đội Nhân dân Việt Nam: Từ thuở ban đầu ấy… Kỳ 1
.Quân đội Nhân dân Việt Nam: Từ thuở ban đầu ấy… Kỳ 2
.Quân đội Nhân dân Việt Nam: Từ thuở ban đầu ấy… Kỳ 3
Kỳ 4: “9 năm làm một Điện Biên…”
Khi xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, thực dân Pháp tin chắc rằng lòng chảo này sẽ “nghiền nát” Việt Minh. Nhưng Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, huy động tối đa sức người, sức của đã khuất phục “con nhím Điện Biên Phủ”, giành thắng lợi vẻ vang, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử Việt Nam như những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Trong ảnh: Đồi A1, một cứ điểm chiến lược của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị đã bị QĐNDVN khuất phục Ảnh:T.SƠN
Tháng 11-1946, thực dân Pháp tăng thêm quân, đổ bộ lên Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà. Để thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, sau khi nổ súng ở Hải Phòng và Lạng Sơn (20-11-1946), chúng ráo riết chuẩn bị lực lượng hòng đánh úp các cơ quan đầu não của ta tại thủ đô Hà Nội, tiêu diệt bộ đội Vệ quốc quân và tự vệ tại các thành phố lớn, đồng thời đánh chiếm những địa bàn chiến lược ở Trung bộ và Bắc bộ.
Đêm 19 rạng ngày 20-12- 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tại Hà Nội, với tinh thần “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ Vệ quốc quân, công an xung phong, tự vệ đã chiến đấu rất dũng cảm… Cuộc chiến đấu của quân và dân ta chủ động vây đánh địch trong các thành phố đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp hòng đánh úp cơ quan đầu não của ta tại Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta ở các thành phố lớn. Ta đã tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch dài ngày trong các thành phố, tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến lâu dài…
Thu đông năm 1947, Pháp muốn kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của chúng bằng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”. Chúng đã huy động hơn 12.000 quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở chiến dịch bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, kết thúc “chớp nhoáng” cuộc chiến tranh xâm lược. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang một thời kỳ mới.
Từ thu đông 1948 đến đầu năm 1950, bộ đội ta liên tục mở trên 30 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Tiêu biểu là chiến dịch Bắc Quảng Nam (7-1949); chiến dịch Sông Thao (5-1949); chiến dịch Sông Lô (4-1949); chiến dịch Lê Lợi (11-1949); chiến dịch Cầu Kè (12-1949); chiến dịch Lê Hồng Phong I (2-1950)... Qua hơn 2 năm chiến đấu, quân đội ta đã tiến bộ nhiều về phương diện tác chiến và xây dựng lực lượng. Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa. Chiến dịch mở màn từ ngày 16-9 và kết thúc thắng lợi vào ngày 14-10-1950. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta sau 4 năm kháng chiến, một chiến dịch đánh vận động, đánh tiêu diệt xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao; đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo chiến dịch của quân đội ta, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự. Đầu tháng 11-1951, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình. Chiến dịch diễn ra từ ngày 10-12-1951 đến 25-2-1952 đã làm thất bại âm mưu phản công tiêu diệt bộ đội chủ lực ta, giành lại quyền chủ động chiến lược của địch. Trong chiến dịch này, bộ đội ta có bước tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân… Đầu tháng 9-1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai ở vùng Tây Bắc. Vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào được nối thông. Ta giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.
Mùa xuân 1953, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Pa-thét Lào mở chiến dịch tiến công Thượng Lào, một vùng chiến lược quan trọng, là hậu phương an toàn của địch. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai, xây dựng và mở rộng các căn cứ du kích, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt - Lào, giữa QĐNDVN và Quân giải phóng Pa-thét Lào…
Trước những thay đổi trong cục diện chiến tranh ở Đông Dương và trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9-1953 Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, trong Đông - Xuân 1953- 1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường; ta đã hình thành 5 đòn tiến công chiến lược tại Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, Tây nguyên, Thượng Lào. Bằng 5 đòn tiến công chiến lược, ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi; ta đã hoàn toàn nắm quyền chủ động, kế hoạch Na-va bước đầu bị phá sản.
Trước thời cơ thuận lợi, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyết tâm chiến lược của ta là “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương”. Từ ngày 13 đến 17-3- 1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lần lượt tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, buộc quân địch ở Bản Kéo đầu hàng, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm. Từ ngày 30-3 đến 30-4- 1954, quân ta mở đợt tiến công thứ hai tiêu diệt các cứ điểm phía đông; cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt, vòng vây của quân ta khép chặt dần, vây hãm quân địch vào tình thế rất khốn đốn. Từ ngày 1 đến 7-5-1954, quân ta tiến công đợt thứ ba, lần lượt đánh chiếm các cứ điểm phía đông và phía tây, bẻ gãy các cuộc phản kích, tiêu diệt toàn bộ địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu địch.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám.
Trong thắng lợi vẻ vang của dân tộc, quân đội ta đã góp phần xứng đáng như lời tuyên dương của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong phiên họp lần thứ 4 (khóa I) năm 1955: “QĐNDVN đã chiến đấu hết sức anh dũng trong những hoàn cảnh vô cùng gian khổ, đã lập được những chiến công rực rỡ, ghi vào lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc những trang sử oanh liệt nhất, do đó đã đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi to lớn ngày nay”. Giương cao ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao, quân đội ta cùng với toàn dân bước tiếp sang một chặng đường chiến đấu oanh liệt mới. (Còn tiếp)
NHÓM P.V