Học sinh (HS) THPT là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, có nhiều ước mơ, hoài bão. Nhưng lứa tuổi này cũng dễ bị tác động xấu từ xã hội. Nếu không được định hướng, giáo dục tốt, nữ sinh dễ bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức... Từ những mối lo này, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã quan tâm đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho nữ sinh ở trường học trong giai đoạn hiện nay.
Học sinh tham gia trắc nghiệm kiến thức bằng hình thức Rung chuông vàng tại Hội thi tìm hiểu về Dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên; Phòng, chống ma túy, HIV/AIDS
Cần chăm lo giáo dục nhân cách
Gần đây, tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Đôi khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhưng các nữ sinh đã giải quyết bằng cách đánh hội đồng, làm nhục bạn, rồi quay clip tung lên mạng. Những cách hành xử thiếu văn hóa ấy khiến người lớn cảm thấy đau lòng, khi mà các em không còn giữ được những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Cô Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo) tỏ ra lo lắng, sự bùng nổ các phương tiện thông tin làm nhiều em bối rối trước những hiện tượng xã hội, không biết đâu là chuẩn mực đạo đức cho mình. Do đó, một số em ít chú ý đến lễ phép tối thiểu như dạ, thưa khi nói chuyện với người lớn, không biết nói lời cảm ơn, sống ích kỷ, đua đòi tập làm người lớn không đúng cách. Ngoài ra, thực trạng xã hội có những diễn biến đa dạng, nữ sinh dễ bị sa ngã, lệch lạc, bị cám dỗ vào các tệ nạn xã hội...
Ở một số trường học có hiện tượng nữ sinh yêu sớm. Nữ sinh lạc lối đừng đổ lỗi cho xã hội, mà phần lớn là do trách nhiệm từ các bậc cha mẹ. Đạo đức học đường của một bộ phận nữ sinh xuống cấp do các em sống trong gia đình cha mẹ luôn xảy ra bất hòa hoặc ly dị, không gương mẫu. Cô Nguyễn Thị Mỹ Thương, trường THPT Dĩ An (TX.Dĩ An), cho rằng gia đình là cái nôi hình thành nhân cách, ứng xử của HS. Một gia đình hạnh phúc, biết trân trọng giá trị tinh thần sẽ giáo dục nên những đứa con ngoan; ngược lại, gia đình thiếu hạnh phúc, coi trọng giá trị đồng tiền và vật chất, thậm chí thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực sẽ tác động tiêu cực đến tính cách, cách ứng xử của HS.
Nhiều cách làm hay
“Tiên học lễ, hậu học văn”, từ xưa ông bà ta đã dạy bảo như vậy. Ở các trường học, việc giáo dục đạo đức cho HS song hành với dạy văn hóa. Tuy nhiên, do hiện nay chương trình học còn nặng, nên có trường chưa chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống cho HS. Để khắc phục tình trạng này, các trường thực hiện giáo dục đạo đức cho HS nói chung được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp… Tại huyện Phú Giáo, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học xây dựng tổ tư vấn học đường để chia sẻ, định hướng cho HS. Nhà trường phối hợp với phụ huynh, nếu thấy HS có những dấu hiệu bất thường thì hai bên cùng có hướng giải quyết thích hợp. Ở TX.Thuận An, ngành GD-ĐT cũng có cách làm riêng. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT, ngành tổ chức sinh hoạt nhiều chuyên đề, đặc biệt là HS THCS, như: giáo dục bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản… nhà trường còn kêu gọi phụ huynh thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục nữ sinh. Với trường THPT Dĩ An, nhà trường thành lập các mô hình câu lạc bộ trường học an toàn và thân thiện với bạn gái, câu lạc bộ võ thuật, nữ công gia chánh, nấu ăn… tạo các sân chơi tập thể thu hút nữ sinh THPT tham gia
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Làm tốt vai trò của người thầy
Ngành GD-ĐT mong muốn tất cả thầy cô làm tốt vai trò giáo dục đạo đức cho HS nói chung. Việc giáo dục những phẩm chất đạo đức của người phụ nữ nên thực hiện khi các em còn ngồi ở ghế nhà trường. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng nếu chẳng may các em bị vấp ngã, không vì tì vết đó mà không quan tâm đến các em, tạo cho các em một niềm tin, nghị lực để vươn lên. Mong rằng tất cả thầy cô cùng nhau cố gắng để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của người thầy, thực hiện tốt phương châm: “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” đối với từng HS.
A.SÁNG