Quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP

Cập nhật: 05-12-2023 | 08:34:36

Chương trình OCOP đã làm thay đổi tư duy sản xuất, thị trường của nhiều người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tại Bình Dương, đưa tỉnh trở thành địa phương nổi bật về các sản phẩm nông sản chất lượng, có giá trị thương mại cao. Hiện Bình Dương tiếp tục tập trung chính sách, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

 Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Bình Dương ngày càng tăng, được trưng bày, giới thiệu rộng rãi

 Gia tăng giá trị

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP với hơn 100 sản phẩm đạt 3-4 sao. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc khai thác tiềm năng, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Các địa phương trong tỉnh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP. Cụ thể, huyện Bàu Bàng có các sản phẩm đạt OCOP từ 2 đến 3 sao, như: Lạp xưởng tươi Cô Giáo Phương, cải ngọt, dưa lưới, bưởi da xanh, tổ yến nguyên chất, dưa leo rừng muối. Tương tự, huyện Phú Giáo có các sản phẩm đạt OCOP 3 và 4 sao, gồm: Dưa lưới của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (xã An Thái) đạt 4 sao; 4 sản phẩm đạt 3 sao là tổ yến Hiếu Hằng (xã An Long), cà phê rang xay nguyên chất Đăng Nguyễn (xã Tân Hiệp), dưa lưới của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) và sản phẩm trái ổi tươi của HTX Nông nghiệp Thanh Kiên (xã Phước Hòa).

Bên cạnh đó, trong tỉnh có nhiều HTX có sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 4 sao, như: Sản phẩm cam sành của HTX Nông nghiệp - thương mại dịch vụ Năm Hạng (xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên) đạt 4 sao; bưởi da xanh của HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) đạt 4 sao …

Bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng (xã An Long, huyện Phú Giáo), cho biết để đạt chứng nhận OCOP các quy trình từ thu hoạch đến chế biến được thực hiện theo các bước, bảo đảm an toàn, sạch sẽ. Ngoài tổ yến thô, cơ sở còn đẩy mạnh chế biến yến tươi, chè yến, cháo yến. Các sản phẩm của công ty đưa chất lượng lên hàng đầu, 100% nguyên chất, không dùng chất bảo quản.

Trong khi đó, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) cũng có các sản phẩm OCOP hơn 2 năm nay. Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, chia sẻ: “Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã nâng tầm giá trị, từ đó thị trường ổn định, mở rộng hơn. Điều làm nên uy tín của sản phẩm là chất lượng do quy trình từ trồng trọt, chăm bón, cho đến thu hoạch và vận chuyển được giám sát chặt chẽ”.

Tiếp tục phát triển

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% số xã trong toàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP...

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống các điểm bán hàng OCOP, kênh thương mại điện tử sản phẩm OCOP… Đồng thời, tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ các chủ thể và các sản phẩm tham gia, bảo đảm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đến nay, Chương trình OCOP hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển; đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện, chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, Chương trình OCOP sẽ là bước tiếp nối chuyển tải và phát triển các giá trị truyền thống của địa phương, của cộng đồng dân cư Bình Dương ngày càng phát triển, không chỉ giới thiệu cho các tỉnh, thành trong nước mà còn mở rộng sang thị trường các nước trên thế giới.

Để đẩy mạnh thương hiệu OCOP Bình Dương trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh sẽ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm.

 Bình Dương hiện có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể. Sau khi được công nhận OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và thu nhập của nông dân, doanh nghiệp tăng lên.

 THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=381
Quay lên trên