Quẳng gánh lo... để hội nhập

Cập nhật: 09-06-2016 | 08:34:49

Thời gian gần đây, trước sự thâm nhập của các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, khiến cho không ít doanh nghiệp băn khoăn lo lắng. Mặc dù, trước đó thông tin tốt lành từ Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến không ít doanh nghiệp phấn khởi. Theo ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp đừng nên quá lo lắng, bởi đan xen thách thức chính là những cơ hội rất lớn.

 Vững tin vào sự ổn định

Ông Trấn Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, nhìn lại quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu cho thấy nền kinh tế nước ta vẫn đứng vững vàng, tốc độ tăng GDP trên đầu người luôn đều đặn, kim ngạch xuất khẩu tăng cao... Sự kiện các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đua nhau đầu tư hoặc mua lại hệ thống siêu thị bán lẻ là động thái hết sức bình thường. Các doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị chu đáo cho quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu thì thấy rõ ràng cơ hội tăng trưởng và phát triển nhiều hơn.

Tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp gỗ Bình Dương có lợi thế khi đối thủ lớn nhất là Trung Quốc không phải là thành viên của TPP

Nếu lấy cột mốc năm 1995, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN thì Việt Nam đã “lận lưng” 20 năm kinh nghiệm trong quá trình hòa nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Năm 1995, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ đạt 5 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 con số này đã là 162 tỷ USD, tức gấp 30 lần. Nền kinh tế cả nước phát triển nhanh và mạnh trong vòng 20 năm trở lại đây, kéo theo đó là tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương trước đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, từ ngày 11-1-2007, việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã giúp

 Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao 7,13%. Ông Giàu cho biết, xếp hạng của WTO về xuất, nhập khẩu của Việt Nam tăng so với thời điểm gia nhập WTO. Cụ thể: Xuất khẩu hàng hóa năm 2007 xếp thứ 50 thì năm 2014 xếp thứ 34; nhập khẩu hàng hóa năm 2007 xếp thứ 41 thì năm 2014 xếp thứ 32. Xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ năm 2007 xếp thứ 59 thì năm 2013 xếp thứ 54. Dòng vốn FDI đổ vào Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung chính là bằng chứng cho thấy lợi ích rất lớn đối với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát (TX.Thuận An) chia sẻ, bản thân doanh nghiệp ông cũng có cơ hội mở rộng thị trường sang các nước EU, Mỹ, một số nước Trung Á… chính là nhờ tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Theo ông Bạch, đừng thấy hàng hóa nước bạn tràn ngập thị trường nội địa mà lo lắng, bởi ở chiều ngược lại chúng ta vẫn có cơ hội đẩy mạnh hàng hóa lưu thông từ các nước khác.

Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… điều họ quan tâm ở Bình Dương chính là môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh là Việt Nam có thể chế chính trị ổn định nhất so với các nước Đông Nam Á chính là “lực hấp dẫn” các nhà đầu tư không riêng gì khu vực Đông Á.

Nâng cao chất lượng để cạnh tranh

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, hãy xem hội nhập kinh tế là điều bắt buộc chúng ta phải tiến hành để đưa nền kinh tế cả nước đi lên. Trong thời gian qua, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam chính là khu vực Đông Á (chiếm đến 70 - 80%), việc mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia khác như Nga, Ấn Độ, EU và mới đây là các nước trong TPP sẽ kích thích xuất khẩu cả nước tăng trưởng mà ít lệ thuộc vào một khu vực nhất định khi xảy ra khủng hoảng kinh tế trong phạm vi khu vực.

Đồng quan điểm với ông Khánh, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Bình Dương chia sẻ, khủng hoảng tài chính năm 1998 xuất phát từ Đông Á làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kim ngạch xuất khẩu của cả nước, bởi vì chúng ta lệ thuộc nhiều vào khu vực này. Quan hệ thương mại của Việt Nam đã được đa dạng hóa, có quan hệ chiến lược lâu dài với hầu hết những nền kinh tế mạnh của thế giới, chính là chia sẻ rủi ro ở thị trường xuất khẩu.

Một số thị trường tiềm năng trong tương lai ngoài EU, Mỹ đó là Nga, Ấn Độ. Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương nhận định, thời gian gần đây thị trường Nga chưa được khai thác hết bởi đồng tiền Nga đang bị rớt giá so với đồng USD, làm ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hàng hóa sang đối tác này. Về lâu dài đây vẫn là thị trường tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp trong nước.

Mối lo lắng nhất của các doanh nghiệp tại Bình Dương chính là các đối thủ đến từ khu vực Đông Nam Á. Bởi các quốc gia này cơ cấu hàng hóa xuất khẩu gần như giống nhau; các thế mạnh của Bình Dương là may mặc, giày da, gỗ, điện tử, viễn thông… cũng là thế mạnh của các nước Đông Nam Á. Nghĩa là chúng ta có thế mạnh gì, thì các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào… cũng có những sản phẩm, mặt hàng tương tự. Hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không còn cạnh tranh nhau nhiều về mặt giá cả, mà khi đó chất lượng sẽ quyết định tất cả. Theo ý kiến của các chuyên gia, chúng ta nên xem đây là cơ hội tốt để thay đổi, nâng cấp trình độ sản xuất trong nước để không những hàng hóa nội địa mạnh dạn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu mà còn nâng cao trình độ sản xuất của nước nhà trong quá trình công nghiệp hóa.

 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1030
Quay lên trên