Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016):

Quốc hội Việt Nam - Những dấu ấn trưởng thành - Bài 1

Cập nhật: 28-12-2015 | 08:01:21

 LTS: Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016), báo Bình Dương khởi đăng loạt bài “Quốc hội Việt Nam - Những dấu ấn trưởng thành” để giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển của Quốc hội Việt Nam từ khi ra đời đến nay…

Bài 1: Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quốc hội

 Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó tư tưởng về xây dựng Nhà nước kiểu mới nói chung, xây dựng Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nói riêng có vị trí hết sức quan trọng. Ngay trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã nhiều lần đề cập đến vấn đề pháp quyền, dân chủ, quyền lực nhân dân…

 Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: T.L

 Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 3-9-1945), Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Ngày 20-9-1945, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 vị do Người làm Trưởng ban. Ngày 9-11-1946 bản Hiến pháp mới đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ các quyền tự do dân chủ của nhân dân dưới một chính thể dân chủ rộng rãi.

Người khẳng định: “Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp…”. Trong một chế độ dân chủ, Nhà nước dân chủ, người dân được đặt ở vị trí cao nhất - dân là chủ, dân làm chủ, còn các cơ quan Nhà nước và cán bộ Nhà nước chỉ là đày tớ, là “công bộc” của nhân dân. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ/ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra…/ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Hiến pháp dân chủ đầu tiên - Hiến pháp 1946 đã tuân thủ 3 nguyên tắc của một Nhà nước dân chủ. Đó là: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Với những nguyên tắc đó, Hiến pháp 1946 đã bảo đảm về mặt pháp lý tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân và Hiến pháp là cơ sở pháp lý để tiến hành công việc của đất nước.

Về vai trò và chức năng của Quốc hội, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Quốc hội chỉ có thể phát huy được vai trò của một thiết chế dân chủ khi nó có thực quyền và đại diện thực sự cho lợi ích của nhân dân, của một nước có độc lập. Do đó, để có được một quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Theo Người: “…Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương… Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định”.

Quan điểm “Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước” còn được thể hiện qua các chế định của Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo. Theo bản văn của Hiến pháp này thì tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam (Điều 1). Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (điều 22)… Như vậy, theo Hiếp pháp năm 1946, Nghị viện là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước nhưng quyền lực của Nghị viện cũng bị kiểm tra lại bởi các thiết chế Nhà nước và bởi nhân dân - chủ thể của quyền lực Nhà nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Hiến pháp 1946 là Hiến pháp mẫu mực về cách quy định ngắn gọn, súc tích, văn phong trong sáng và tổ chức khoa học về phân công quyền lực trong bộ máy Nhà nước.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quốc hội còn được thể hiện cụ thể, đầy đủ trong hai bản Hiến pháp (năm1946 và 1959). Đó là những bản Hiếp pháp do Người làm Trưởng ban dự thảo. Những Hiến pháp này chứa đựng tư tưởng của Người về vấn đề xây dựng bộ máy Nhà nước nói chung và về Quốc hội nói riêng.

Trong mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước, theo Hồ Chí Minh, Chính phủ, người đứng đầu Nhà nước cũng phải do Quốc hội bầu ra. Đó là lý do vì sao Người rất khẩn trương trong việc chỉ đạo tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Chính phủ chính thức thay cho Chính phủ lâm thời. Và chính Người đã khước từ lời đề nghị của nhân dân về việc để Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vĩnh viễn không qua bầu cử. Trong tư tưởng của Người, Quốc hội còn là cơ quan thực hiện quyền kiểm soát đối với Chính phủ và người đứng đầu Nhà nước.

Về tính đại diện của Quốc hội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh Quốc hội là đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam và tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết toàn dân. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-3-1946), Người nói: “Trong cuộc toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu.

Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối…”. “… Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín… Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam…”.

Về đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình của thế giới từ cách mạng tư sản châu Âu, châu Mỹ đến Cách mạng Tháng Mười Nga. Vì vậy, Người rất hiểu vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng nói chung và vai trò của đại biểu Quốc hội nói riêng. Đại biểu Quốc hội là chủ thể, giữ vai trò then chốt nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước của Quốc hội.

Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Người nêu rất cô đọng các đặc điểm cần và đủ như sau: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”; “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”. (Còn tiếp)

 TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=891
Quay lên trên