Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016):

Quốc hội Việt Nam - Những dấu ấn trưởng thành - Bài 2

Cập nhật: 29-12-2015 | 08:10:34

Bài 2: Chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

 Cuối năm 1945, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do…

 

Đình Tân Trào (Tuyên Quang) nơi diễn ra Đại hội đại biểu quốc dân

Từ Đại hội Tân Trào…

Trong thư gửi cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Chúng ta phải có một cái cơ cấu đại biểu… do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.

Chiều ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân. Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Đại hội tiến hành trong khi lệnh khởi nghĩa vừa phát đi, cho nên phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu có thể cùng các chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Tại đại hội, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã đọc bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương. Trên cơ sở đó, đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh, đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh.

Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Ủy viên là các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực của Ủy ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. Đồng thời đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Ngày 17- 8-1945, đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.

… Đến cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá, đây là một đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16-8- 1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc. Đây là thắng lợi của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành độc lập.

Quốc dân Đại hội Tân Trào là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam và như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vừa đây, Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam Quốc dân đại biểu Đại hội”, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho đất nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”.

Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân Đại hội, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Ngày 3-9-1945, một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân gái trai mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó. Điều 2 của Sắc lệnh quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.

Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc; đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Việc Chính phủ lâm thời ban hành một sắc lệnh đã thể hiện sự cố gắng hết sức để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi. (Còn tiếp)

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=804
Quay lên trên