Quỹ bảo lãnh tín dụng: Niềm hy vọng mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cập nhật: 30-07-2014 | 00:00:00
Quyết định số 24/2014/ QĐ-UBND vừa được UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định “Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh” (Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND) giao cho Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh (QĐTPT) thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh đối với DN có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, để được bảo lãnh cho vay, DN vẫn còn nhiều băn khoăn.

    Quỹ BLTD dành riêng cho nhóm DNNVV Bình Dương được xem là “phương thuốc” hữu hiệu hiện nay. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Vương Tuệ KCN Nam Tân Uyên Ảnh: T.HỒNG

 Doanh nghiệp đón tin vui

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Dương tổ chức, đại diện QĐTPT đã triển khai các nội dung cơ bản của Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND như các quy định liên quan đến tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ được bảo lãnh tín dụng; hợp đồng bảo lãnh tín dụng; quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh, nhận bảo lãnh, được bảo lãnh; nhận nợ và bồi hoàn bảo lãnh…. QĐTPT mong muốn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tích cực hỗ trợ để khai thác, tìm kiếm khách hàng nhằm kịp thời bổ sung nguồn vốn cần thiết để giúp các DNNVV vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu cũng chỉ đạo toàn ngành thể hiện sự chia sẻ bằng hành động hỗ trợ DNNVV một cách cụ thể; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng phối hợp thẩm định và thực hiện cho DN vay theo đúng quy định, tạo sự thông thoáng, nhanh chóng và tìm hiểu những khó khăn cụ thể của từng khách hàng để tìm cách tháo gỡ hiệu quả…

Thông tin này như tạo một luồng sinh khí mạnh mẽ cho DNNVV. Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Bình Dương Lê Bá Linh khẳng định, nếu Quyết định số 24/2014/QĐ- UBND được thực hiện tích cực, các DNNVV nói chung, DN ngành sơn mài nói riêng sẽ được tháo gỡ rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, các DN sơn mài thường có tỷ lệ nợ vay với lãi suất cao khá nhiều. Do đặc thù của ngành, khách hàng chỉ ứng trước tối đa 30% giá trị đơn hàng, phần còn lại phải tìm vốn sản xuất từ bạn bè, vay ngoài. Trong khi đó, áp lực nợ ngân hàng cao, lãi vay ngoài nặng, các DN sản xuất xuất khẩu sơn mài hầu như không còn lợi nhuận và luôn trong tình trạng khát vốn. “Nếu chính sách hỗ trợ DNNVV sớm đi vào cuộc sống, áp lực trả nợ của DN được giảm thiểu, DN sẽ có thêm vốn lưu động để đầu tư, mua sắm nguyên vật liệu, thanh toán tiền lương công nhân và tiếp tục sản xuất. Tôi cũng kỳ vọng nguồn quỹ có lãi suất ưu đãi so với thị trường sẽ có nhiều tác động tới DNNVV”, ông Linh chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Huỳnh Quang Thanh cũng đánh giá đây là giải pháp mới, rất kịp thời, thiết thực của tỉnh, giúp DN tiết giảm chi phí, dồn sức tập trung vào sản xuất và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.

Nhìn chung, các DN đều khẳng định đây là điều DN rất mong mỏi. Nhiều DN hy vọng, NHNN Chi nhánh Bình Dương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các ngân hàng nhiệt tình thực hiện chính sách, để hỗ trợ DN một cách tốt nhất.

Vẫn còn băn khoăn

Mặc dù DN đang rất hồ hởi với sự ra đời của Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD), xem đó như là chỗ dựa giúp DNNVV có thêm kênh tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhưng vẫn còn đó những lo ngại. Giám đốc DN tư nhân Sơn mài xuất khẩu Hiệp Công Huỳnh Văn Nút chia sẻ, đây là chính sách có tác động tốt tới DN, sẽ giúp DN có nguồn vốn vay đa dạng, lãi suất thấp nhưng điều còn băn khoăn là quy định yêu cầu DN có tài sản thế chấp.

Chính thức được triển khai từ ngày 19-7-2014, nguồn vốn hoạt động của Quỹ BLTD DNNVV được hình thành từ các nguồn gồm: Vốn điều lệ 100 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh, vốn góp của các TCTD, vốn góp của các DN khác… Đối tượng được Quỹ BLTD cấp BLTD là các DNNVV theo quy định của pháp luật hiện hành, vay vốn bằng VND tại các TCTD thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD. Quỹ BLTD sẽ xem xét, cấp bảo lãnh khi DNNVV hội đủ các điều kiện như DN có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; ngoài ra, còn phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay và có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh…

Ông Nút cho biết, để thực hiện đơn hàng sản xuất trị giá 5 tỷ đồng từ giữa năm 2013 đến hết tháng 10 năm nay, ông đã phải thế chấp toàn bộ tài sản nhà cửa, xe cộ tại ngân hàng để vay 470 triệu đồng. Vốn không đủ, ông phải vay ngoài 600 triệu đồng, lãi vay 5-10%/ tháng. Tính chung 2 khoản vay, lãi gốc đã ngót nghét gần 60 triệu đồng/tháng. Áp lực trả nợ hàng tháng khiến DN mệt mỏi, nay nếu có chính sách mới sẽ “dễ thở” hơn nhưng xem kỹ quy định thì DN không lấy đâu ra tài sản để thế chấp vay ngân hàng. “DN làm ăn ra sao, phía cho vay có thể thẩm định được. Do vậy, quỹ và ngân hàng cần chủ động, linh hoạt trong việc phân tích khả năng phát triển của DN, phương án kinh doanh, hợp đồng sản xuất thực tế… chứ không nên chăm chăm vào tài sản thế chấp. Có như vậy mới giải tỏa hoàn toàn nút thắt về vốn cho DN”, ông Nút nói.

Về phía ngân hàng, các ngân hàng lớn khối quốc doanh và khối cổ phần tại Bình Dương đều chia sẻ sự quan tâm hỗ trợ vốn của đơn vị đối với DN nhưng vẫn có những băn khoăn. Phó Giám đốc Ngân hàng Shinhan Vina Bank Chi nhánh Bình Dương (TX.Dĩ An) Trịnh Bằng Vũ cho biết ngân hàng luôn sẵn sàng, chủ động tư vấn, cung cấp vốn cho DN chứ không ngồi chờ DN tìm đến. Tuy nhiên, trong thực tế hầu hết DNNVV trong tình trạng tài sản đã nằm hết trong ngân hàng. Nay quy định người vay phải có tài sản bảo đảm tại TCTD (bên cấp vốn) và tại quỹ (bên bảo lãnh)… Liệu có gây khó khăn cho DN? Tuy tỷ lệ tài sản bảo đảm có giá trị không cao, chỉ 15% nhưng liệu rằng khách hàng có đáp ứng được yêu cầu này không? Còn Giám đốc ACB Chi nhánh Bình Dương Huỳnh Văn Thúy cũng dẫn chứng “trục trặc” tại ACB Bình Định trước đây khiến quá trình thực hiện cho vay theo cơ chế BLTD không mang lại kết quả như mong đợi. “Do vậy, cơ chế bảo lãnh, quy trình, thủ tục tín dụng, các chứng từ liên quan đến bảo lãnh, thẩm định… cần được phân định rõ ràng, cụ thể để ngân hàng theo dõi, xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình”, ông Thúy đề xuất.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên