Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 07/2012/NĐ-CP, quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra (TT) chuyên ngành và hoạt động TT chuyên ngành.
Thẩm quyền
Thẩm quyền ra quyết định TT chuyên ngành theo kế hoạch, được phân biệt: 1. Chánh TT bộ, Chánh TT sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc bộ, Chi cục trưởng thuộc sở ra quyết định TT và thành lập Đoàn TT. 2. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, giám đốc sở ra quyết định TT và thành lập Đoàn TT.
Thanh tra chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu
Có 3 trường hợp sau đây sẽ được xem xét để ra quyết định TT chuyên ngành đột xuất: 1. TT đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc phòng, chống tham nhũng hoặc theo yêu cầu của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh TT bộ, Giám đốc sở, Chánh TT sở. 2. Chánh TT bộ, Chánh TT sở ra quyết định TT đột xuất, thành lập Đoàn TT và gửi quyết định TT đột xuất để báo cáo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, giám đốc sở. Trường hợp người ra quyết định TT là Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc bộ, Chi cục trưởng thuộc sở thì quyết định TT đột xuất được gửi để báo cáo Chánh TT bộ, Chánh TT sở. 3. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước ra quyết định TT đột xuất và thành lập Đoàn TT.
Thời hạn thực hiện một cuộc TT chuyên ngành được quy định như sau: a) Cuộc TT chuyên ngành do TT bộ, Tổng cục, Cục thuộc bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày; b) Cuộc TT chuyên ngành do TT sở, Chi cục thuộc sở tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn của cuộc TT được tính từ ngày công bố quyết định TT đến ngày kết thúc việc TT tại nơi được TT. Việc kéo dài thời hạn TT do người ra quyết định TT chuyên ngành quyết định.
Thời gian và quyền hạn
Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định TT, Trưởng đoàn TT có trách nhiệm công bố quyết định TT với đối tượng TT. Khi công bố quyết định TT, Trưởng đoàn TT phải nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn TT, thời hạn TT, quyền và trách nhiệm của đối tượng TT, dự kiến kế hoạch làm việc của Đoàn TT với đối tượng TT và những nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn TT.
Việc công bố quyết định TT phải được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Trưởng đoàn TT và thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng TT.
Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc TT, Trưởng đoàn TT phải có văn bản báo cáo kết quả TT, trừ trường hợp nội dung kết luận TT phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Báo cáo kết quả TT chuyên ngành phải có các nội dung sau đây: 1. Khái quát về đối tượng TT; 2. Kết quả kiểm tra, xác minh về từng nội dung TT; 3. Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, chuyên môn - kỹ thuật của đối tượng TT; 4. Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng trong quá trình tiến hành TT; kiến nghị các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua TT (nếu có); 5. Ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn TT (nếu có).
Căn cứ báo cáo kết quả TT, nội dung giải trình của đối tượng TT (nếu có), chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả TT, người ra quyết định TT phải ra văn bản kết luận TT; trừ trường hợp nội dung kết luận TT phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Kết luận TT phải có các nội dung sau đây: a) Kết quả kiểm tra, xác minh về từng nội dung TT; b) Kết luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, chuyên môn - kỹ thuật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng TT thuộc nội dung TT; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có); c) Kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua TT (nếu có).
Trong quá trình ra văn bản kết luận TT, người ra quyết định TT có quyền yêu cầu Trưởng đoàn TT, thành viên Đoàn TT báo cáo, yêu cầu đối tượng TT giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận TT. Người ra quyết định TT có trách nhiệm tổ chức việc công bố kết luận TT. Trường hợp cần thiết có thể ủy quyền cho Trưởng đoàn TT công bố kết luận TT. Việc công bố kết luận TT được lập thành biên bản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-4-2012. Những quy định trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.
NGUYỄN CAO