Xác định khoa học và công nghệ (KHCN) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN), những năm gần đây Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động KHCN trong các DN; trong đó phải kể đến chính sách trích lập Quỹ phát triển KHCN (gọi tắt là quỹ). Tuy nhiên sau nhiều năm ban hành, việc trích lập quỹ vẫn chưa được các DN triển khai.
Do còn nhiều vướng mắc nên các DN trên địa bàn tỉnh chưa mặn mà với việc thành lập Quỹ KHCN. Trong ảnh: Sản xuất các thiết bị cho máy phát điện, máy bơm nước của Công ty Cổ phần Hữu Toàn (TX.Thuận An) Ảnh: HOÀNG PHẠM
Chưa triển khai vì… rối!
Theo Nghị định 95/2014/ NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-10-2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN, hàng năm DN được trích tối đa 10%/ thu nhập tính thuế thu nhập DN để thành lập Quỹ phát triển KHCN của DN. Như vậy, với khoản trích này DN không phải đóng thuế và sử dụng quỹ cho hoạt động KHCN của DN nhằm phát triển DN, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh...
Tuy nhiên, theo các DN, khi trích lập, sử dụng quỹ còn quá nhiều điều khoản ràng buộc với các thông tư, văn bản hướng dẫn, dẫn đến sự chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát với thực tế. Cụ thể như sau 5 năm lập quỹ, nếu DN không sử dụng hết sẽ bị truy thu, thậm chí phạt lãi suất phát sinh… Bên cạnh đó, quy định DN được khuyến khích trích 10% từ thu nhập trước thuế để lập quỹ, nhưng khi muốn sử dụng quỹ thì phải làm hồ sơ, lập hội đồng, thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối… Trong khi đó, Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28-6-2016 của Bộ KHCN và Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ đưa ra các quy định quá chặt chẽ trong việc chi và quản lý quỹ. Nếu đề tài, dự án không đạt thì DN sẽ không được khấu trừ thuế, cho dù đã bỏ tiền ra để làm.
“Là một DN hoạt động trên lĩnh vực KHCN, thời gian thực hiện một dự án thường kéo dài, do đó nguồn quỹ thường không sử dụng hết. Như vậy, việc đóng thuế thu nhập DN, vấn đề truy thu, phạt lãi suất phát sinh như thế nào? Ngoài ra, công ty còn phối hợp với các chuyên gia ngành dược để nghiên cứu các sản phẩm thì chi phí thuê những chuyên gia này có được tính vào phí của quỹ hay không”, đại diện Công ty TNHH Thiên Dược (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên) đã nêu ý kiến với Cục Thuế tỉnh tại buổi tuyên truyền về các văn bản Quỹ phát triển KHCN tại DN do Sở KHCN, Cục Thuế tỉnh và Sở Tài chính phối hợp tổ chức vừa qua.
Về vấn đề này, theo ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh, đối với những vấn đề liên quan về thuế khi thành lập và chi quỹ, cũng như mức tính thuế khi quỹ chưa được sử dụng hết đã có quy định. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh sẽ có hướng dẫn, giải thích cụ thể cho DN và cũng sẽ tổng hợp ý kiến của DN để các ban, ngành của tỉnh và Tổng cục Thuế có phương án giải quyết phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của DN cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.
Có thoáng mới “thông”
Theo nhiều DN, trên thực tế 10% được trích lập chỉ là một phần chi phí nhỏ mà Nhà nước hỗ trợ cho DN, còn lại là DN tự bỏ tiền túi ra để làm. Chính vì vậy mà một số DN trên địa bàn tỉnh vì không muốn phiền hà đã chủ động tự sử dụng kinh phí được tính vào chi phí DN khi quyết toán thuế để đầu tư phát triển KHCN theo nhu cầu và khả năng của mình. Cũng với lý do là có quá nhiều rắc rối, bất cập trong các quy định để được công nhận là sử dụng quỹ đúng mục đích hoặc đạt tỷ lệ sử dụng từ 70% trở lên, DN rất sợ đến khi quyết toán thuế cơ quan thuế không công nhận chi phí này là hợp lý, khi đó sẽ bị truy thu thuế… Do đó, nhiều DN còn lưỡng lự trong việc lập quỹ.
Theo bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường Caxe (TX.Dĩ An), hiện nay cơ chế, chính sách phát triển KHCN nói chung, hỗ trợ DN phát triển KHCN nói riêng đã có. Điều DN cần trước mắt là được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ để có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, việc tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi và nguồn hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó việc thành lập và sử dụng quỹ là rất khó khăn, ngay cả Caxe cũng tự dùng nguồn vốn của công ty để triển khai các dự án, đề tài KHCN.
Bên cạnh đó, để có thể sử dụng được 10% lợi nhuận trước thuế, các DN phải lập hội đồng thẩm định, nghiệm thu theo tiêu chuẩn khoa học. Nhưng quy định như thế nào là đạt chuẩn KHCN, đề tài như thế nào là đạt và chưa đạt lại chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết từ năm 2007, Bộ Tài chính đã có văn bản về hướng dẫn thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN. Năm 2013, Quốc hội cũng đã đưa vấn đề này vào Luật KHCN… Có thể nói, quỹ sẽ tạo điều kiện để DN đẩy mạnh đổi mới, nghiên cứu KHCN trong sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Do đó, các DN nên đưa ra kiến nghị để Sở KHCN có những giải pháp thích hợp trong thẩm quyền và trình lên các bộ, ngành liên quan để có sự điều chỉnh cho hợp lý.
HOÀNG PHẠM