Quyết tâm thực hiện triệt để các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Cập nhật: 19-03-2011 | 00:00:00

Các tổ chức tín dụng (TCTD) phải xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, điều hành lãi suất huy động (LSHĐ) phù hợp để chống lạm phát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, xử lý mạnh với những ngân hàng cạnh tranh thiếu lành mạnh... Đó là những nhiệm vụ trọng tâm được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu nhấn mạnh tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP và Chỉ thị 01/CT-NHNN vừa được tổ chức.

 

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Phấn đấu đạt các chỉ tiêu

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hành động mà NHNN chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các TCTD trên địa bàn là đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường huy động vốn, bảo đảm cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các TCTD phải chấp hành nghiêm Thông tư 02 của NHNN về quy định mức LS huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, xé rào, tăng LS huy động vượt quá 14%, (bao gồm khuyến mại, quà thưởng...). NHNN chi nhánh Bình Dương sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý làm trái với tinh thần Thông tư 02 của NHNN đối với công tác huy động vốn.

Về vấn đề cơ cấu lại nguồn vốn cho vay theo chủ trương của NHNN Việt Nam, đến cuối năm 2011, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế điều chỉnh giảm từ 23% xuống còn dưới 20%. Trong đó, hiện dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất chỉ còn 16%/tổng dư nợ. Trong khi đó, tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất ở Bình Dương chiếm 26%/tổng dư nợ. Do vậy, các TCTD phải tập trung nhiều biện pháp để cơ cấu lại nguồn vốn và hoạt động kinh doanh, xây dựng mới kế hoạch tăng trưởng tín dụng bám sát chỉ tiêu kế hoạch ngành và chính sách phát triển kinh tế của tỉnh để đầu tư đúng hướng và hiệu quả. Nâng cao chất lượng tín dụng và chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả đặc biệt chú trọng lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Đối với các TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất cao cần tập trung nhiều biện pháp giảm dần, bảo đảm đến cuối năm 2011, tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực này giảm 10%/tổng dư nợ mà ngành ngân hàng Bình Dương đã đề ra. Các chi nhánh TCTD chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về ngoại hối, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế theo chỉ đạo chung của Thống đốc NHNN Việt Nam...

Các TCTD phải đồng lòng

Trăn trở về tính khả thi và ý thức chấp hành khi triển khai thực hiện các chủ trương của Nhà nước, Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Argibank) chi nhánh Bình Dương Nguyễn Ngọc Việt cho biết, 2 tháng đầu năm 2011, huy động vốn của NH tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, hoạt động cho vay tiếp tục tăng cường theo hướng tập trung phục vụ tam nông. Ông Việt khẳng định, với vai trò là NH chủ lực thực hiện công tác cho vay các đối tượng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Argibank chi nhánh Bình Dương sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN nghiêm túc và hiệu quả. Tuy nhiên, theo đề xuất của ông, để thực hiện thành công các chủ trương của Chính phủ và ngành NH, các TCTD cần có sự kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng, sử dụng nguồn huy động vốn hiệu quả, nhất là nghiêm túc chấm dứt việc tự “làm khó” nhau bằng LS, không nên tạo kỳ vọng cho khách hàng, đặc biệt cần có sự đồng thuận và cam kết thực hiện theo tinh thần mà Thông tư 02 đã nêu rõ, huy động vốn không quá 14%. Mặt khác, NHNN chi nhánh Bình Dương cũng cần thiết lập đường dây nóng, kiểm tra xử lý kịp thời khi thị trường phát sinh những trường hợp vượt rào, gây rối loạn cho hệ thống NH.

Đồng tình với quan điểm “siết” chặt lãi suất tiết kiệm, Giám đốc Ngân hàng Công thương (Vietinbank) khu công nghiệp Mai Xuân Long cho rằng, việc duy trì và có một cơ chế giám sát mặt bằng LSHĐ của các NH là rất cần thiết. Thậm chí, định kỳ hàng tháng NHNN công bố thông tin về kết quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý những trường hợp vi phạm quy định. Hiện nay, các biến động về giá và LS cho vay cao (từ 18%-21%/năm) đang là gánh nặng đối với DN, vì thế nếu không có biện pháp kiểm tra, kiểm soát tích cực thì các TCTD sẽ “lách” LS. Đây là thách thức đối với NH và DN bởi LS vay cao, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh cho NH. Theo ông, Nghị quyết 11 của Chính phủ là cơ hội để ngành NH đồng lòng, tham gia đóng góp một phần công sức vào việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như Nghị quyết đã đề ra.

T.HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=372
Quay lên trên