Roberta Metsola - Tầm nhìn châu Âu

Cập nhật: 28-01-2022 | 10:13:34

Hôm 18-1, thành viên đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo Roberta Metsola của Malta đã được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong 20 năm qua đứng đầu liên minh Quốc hội các nước châu Âu.

Trung tâm tầm nhìn mới

Theo tin từ tờ The Guardian, chính trị gia trung hữu người Malta này đã được làm Chủ tịch mới của EP chỉ một tuần sau khi người đứng đầu cơ quan này là David Sassoli đột ngột qua đời. Ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu (18-1) cũng chính là sinh nhật lần thứ 43 của Roberta Metsola.

Bà đã giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất của EP từ năm 2020 và giành được sự ủng hộ của 458 trong tổng số 705 nghị sĩ EP, trở thành chủ tịch trẻ nhất của Nghị viện châu Âu. Không bằng lòng với việc nỗ lực đại diện cho cải thiện bình đẳng giới, giúp hoạch định chính sách di cư ở châu Âu và giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng đối với tự do truyền thông, bà Roberta Metsola bày tỏ rằng, với vai trò mới, bà tin EP nên đi đầu và là trung tâm của một tầm nhìn mới thân châu Âu.


Bà Roberta Metsola

Nói với Euronews về những ưu tiên trong nhiệm kỳ 2 năm rưỡi của mình, bà Roberta Metsola nhấn mạnh về việc bảo vệ pháp quyền và các quyền cơ bản. Một số quốc gia EU như Ba Lan và Hungary, đang bị giám sát chặt chẽ về các cải cách pháp lý đã làm trầm trọng thêm tình trạng phản đối dân chủ và có thể sớm chứng kiến các quỹ EU của họ bị đóng băng theo một cơ chế có điều kiện vẫn chưa được sử dụng. 

Một mối quan tâm khác trong tâm trí bà Roberta Metsola là khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các tổ chức EU và công dân EU, điều mà bà tin rằng ngày càng phát triển trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. "Chúng ta cần phá vỡ bong bóng Strasbourg và Brussels để mọi ngôi làng và mọi trường học, mọi lớp học đều biết EP là gì, nó tượng trưng cho điều gì, để mỗi người đều có thể khao khát được ở đây với chúng ta một ngày nào đó”, bà cho biết. Mặc dù lên nắm quyền trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng khắp châu Âu, bà Roberta Metsola vẫn muốn nhìn vào 2,5 năm tới "với năng lượng, sự tích cực" và tôn vinh di sản của người tiền nhiệm David Maria Sassoli. 

Chiến đấu có ý thức

Thực tế, chính quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Malta đã đưa Phó Chủ tịch EP Roberta Metsola tham gia hoàn toàn vào chính trường. Bà tâm sự rằng, khi gia nhập nhóm thanh niên của đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo, cuộc tranh luận về việc liệu Malta có nên gia nhập EU năm 2003 đã khơi dậy tinh thần tích cực trong bà. “Tôi đã chọn chiến đấu và chiến đấu một cách có ý thức để đất nước tôi gia nhập EU. Có một cuộc tranh luận lớn đã diễn ra vào thời điểm đó và thế hệ của tôi tin rằng, cách duy nhất để đảm bảo chúng tôi có những cơ hội tốt nhất là ở cùng bàn với những người ra quyết định”.

Giành chiến thắng trong cuộc tranh luận, bà nhanh chóng trở thành ứng cử viên của EP trong cuộc bầu cử năm 2004. Khi đó bà mới ở tuổi đôi mươi, với cái tên thời con gái là Tedesco Triccas. Dù không thành công nhưng bà không nản lòng mà quyết định thử lại vào năm 2009. Sau khi kết hôn với chính trị gia người Phần Lan Ukko Metsola, bà cùng chồng đã làm nên lịch sử khi trở thành đội vợ chồng đầu tiên đại diện cho các quốc gia khác nhau tham gia cùng một cuộc bầu cử ở châu Âu.

Năm 2013, Roberta Metsola gia nhập EP, trở thành một trong những nữ đại biểu đầu tiên của đất nước mình. “Chúng tôi đã đi từ con số không có phụ nữ lên 3 người. Đó là một sự phát triển tích cực”, bà nhớ lại và nói thêm: “Điều này đã đưa Malta từ một trong những quốc gia thành viên tồi tệ nhất của EU về đại diện bình đẳng giới trở thành một trong những quốc gia tốt nhất”. Và đến nay, cuộc chiến chống bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử vẫn là một trong những mối quan tâm chính trị gần gũi nhất của bà. Roberta Metsola là báo cáo viên bóng tối của Nhóm EPP về sáng kiến năm 2014 "Lộ trình của EU chống lại kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục và bản dạng giới", đã truyền cảm hứng cho các luật chống phân biệt đối xử gần đây. Bà thường tóm tắt quan điểm về chính sách bình đẳng lý tưởng của mình bằng cụm từ “Phụ nữ được trao quyền, trao quyền cho phụ nữ”.

“Tôi muốn thấy nhiều phụ nữ hơn ở tất cả các cấp trong khu vực tư nhân và khu vực công. Chúng ta, trong lĩnh vực chính trị cần phải là những người đi đầu trong việc thúc đẩy cải cách đó”, bà Roberta Metsola nhấn mạnh.

Không bị thuyết phục về sự cần thiết phải có "hạn ngạch cứng" trong mọi tình huống, bà tin rằng công việc cơ bản, đặc biệt là với phụ nữ trẻ, là chìa khóa để tiến bộ. 6 năm trước, trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Nghị viện, bà còn tập trung vào một vấn đề khác, cấp bách hơn, đó là cuộc khủng hoảng người tị nạn, cũng như hình ảnh gây sốc về cậu bé người Syria Aylan Kurdi chết đuối, dạt vào bờ biển Hy Lạp. Bà Roberta Metsola sau đó đã làm báo cáo gửi EP về tình hình ở Địa Trung Hải, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận chung, toàn diện đối với vấn đề di cư. Bà ủng hộ kế hoạch của Ủy ban châu Âu về một hệ thống hạn ngạch để phân phối 120.000 người tị nạn trên toàn EU.

“Thật là đau đớn khi thấy điều đó. Thực sự rất buồn khi thấy điều đó từ góc độ EP hoặc EU. Chúng ta đi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác và cố gắng giảm thiểu cuộc khủng hoảng đó khi chúng ta phải đối mặt với nó. Đây thực sự là một thách thức của châu Âu cần các giải pháp của châu Âu và chúng tôi vẫn đang cố gắng ẩn sau một lực cản nào đó để thực hiện điều đó. Chúng ta cần tìm ra một hướng đi cho phép các chính sách quản lý biên giới mạnh mẽ nhưng cũng công bằng với những người cần được bảo vệ, kiên quyết với những người không đủ điều kiện và khắc nghiệt chống lại các mạng lưới buôn người khai thác những người dễ bị tổn thương”, bà Roberta Metsola phân tích.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1482
Quay lên trên