Ruộng vườn vốn nuôi sống, gắn bó với nông dân từ bao đời nay. Vậy nhưng, qua những cơn mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích ruộng của bà con nông dân ở phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên đã bị ngập úng, không canh tác được, phải bỏ hoang khiến không ít người cảm thấy xót xa.
Ruộng nhà ông Nguyễn Văn Bé ở cánh đồng khu phố Cây Chàm bị ngập úng nước và cát bồi lấp trắng xóa do những cơn mưa lớn kéo dài vừa qua. Ảnh: THANH HỒNG
Khổ sở vì ngập úng
Chúng tôi đến thăm một cánh đồng ở khu phố Cây Chàm, phường Thạnh Phước. Vào thời điểm này trước đây, những thửa ruộng ở đây đang được phủ lên màu xanh tươi mơn mởn của lúa đang thì con gái, còn hiện nay đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ông Trương Văn Tâm, Phó Trưởng khu phố Cây Chàm chỉ tay về phía xa rồi nói, 5 năm nay 4.000m2 đất phía trước của gia đình ông đã bỏ hoang. Ở đây cũng không còn mấy gia đình sống được với nghề trồng lúa, vì sản xuất đến đâu hư hại đến đó, có vớt vát được chút ít cũng chẳng đủ để bù vào tiền phân, giống.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn người nông dân ở đây vẫn còn mặn mà với nghề nông, nhưng điều họ lo nhất là đất ruộng thường bị ngập úng vào lúc có mưa lớn kéo dài. Ông Nguyễn Văn Bé, ở tổ 4, khu phố Cây Chàm cho biết, gia đình ông đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề nông, nhưng những năm gần đây ông rất khổ sở vì ruộng thường hay ngập. Năm nào vào mùa này cũng xảy ra tình trạng ngập úng do mưa lớn, nước tràn đê, gây ngập toàn bộ diện tích trồng hoa màu của gia đình ông. Theo phản ánh của ông Bé, tình trạng đáng lo ngại nữa là sau nhiều ngày nước rút đi, cát lùa về lấp luôn cả đồng ruộng, làm cho gia đình ông và nhiều hộ dân khác rất khốn đốn vì không thể canh tác trên cát. Ông Bé nhẩm tính, với 5.000m2 trồng bầu, bí, đậu bắp… nếu gặp thời tiết thuận lợi, sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc gia đình có thu nhập 30 triệu đồng, nhưng hiện nay gia đình chỉ vớt vát được đôi ba triệu đồng. Chỉ tay về phía mảnh ruộng sát thềm nhà đang lên những cây lúa non chưa tròn tháng tuổi, ông Bé than thở, đây là lần gieo sạ thứ 2 trong vòng 2 tháng của gia đình ông. Nếu thời tiết diễn biến phức tạp, nước mưa ùn ùn đổ về, đê vỡ thì cây lúa lại chết úng, gia đình lại mất trắng vụ mùa.
Ông Trương Văn Tâm chỉ tay về hướng đoạn đê bà Tô bị sạt lở. Ảnh: THANH HỒNG
Cách nhà ông Bé chừng 1km, anh Trần Trọng Hiếu cũng gặp cảnh dở khóc dở cười vì ruộng vườn của gia đình bị ngập úng do những trận mưa lớn vừa qua. Chưa hết, theo anh Hiếu phản ánh, vào mùa nắng ruộng của gia đình anh lại thiếu nước tưới, do nước ứ đọng khu ruộng trên không chảy xuống ruộng của anh. Tình trạng này diễn ra thường xuyên từ nhiều năm nay. Dù đã quen với cảnh mưa lớn gây ngập ruộng vườn cộng với nước từ suối Cái dâng lên, nước đê bà Tô tràn bờ ruộng nhưng anh vẫn không khỏi lo lắng nếu bờ đê bà Tô không kịp thời gia cố khiến nước mưa chỉ chảy vào ruộng mà không chảy ra suối. Với tình trạng này, vụ mùa đông - xuân tới nông dân không thể gieo sạ lúa hay trồng tỉa được hoa màu.
Ông Nguyễn Hùng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Phước xác nhận, tình trạng mưa to, nước tràn qua đê liên tục trong tháng 10 năm nay đã phá vỡ con đê bà Tô, gây ngập bờ ruộng 0,5 - 1m, ảnh hưởng đến nhiều diện tích đất sản xuất tại Tân Lương, nặng nhất là khu phố Cây Chàm, khiến năng suất giảm 80 - 90% so với bình thường.
Bà con mong sớm ổn định canh tác
Phường Thạnh Phước là khu vực hạ lưu của suối Cái và suối đê bà Tô. Đê bà Tô là ranh giới địa lý giữa phường Thạnh Phước và phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên. Tuy nhiên, trong những ngày qua mưa lớn kéo dài nước ào ạt đổ về, dâng cao khiến đoạn đê dài 7km này bị sạt lở chân đê và bị phá vỡ với chiều dài khoảng 5m, khiến nước tràn vào đồng ruộng, nhà dân ven ruộng, gây ngập úng. Tại đoạn đê bà Tô, rất nhiều cây lớn được xem như rào chắn phòng chống xói lở bị gãy đổ, ngã ập qua thân đê. Nước mưa và cát trắng vẫn đang tràn vào ruộng, trong khi đó không ít những đoạn đê đang bị nước chảy mạnh, nguy cơ tiếp tục sạt lở là rất cao nếu tiếp tục có mưa bão.
Nhiều người dân sống tại nơi đây cho biết, những năm trước, nước thoát ra 2 bên bờ đê của 2 địa phương Thạnh Phước và Khánh Bình khá tốt, nhưng mấy năm gần đây nhà đầu tư xây dựng các công ty, công trình giáp ranh phường Khánh Bình (cầu Khánh Vân) xây móng đến tận mép suối Cái và đổ nền rất cao. Chính hệ thống bê tông hóa khiến độ thấm hút chậm, trong khi đó mùa mưa nước không thể chảy qua bên kia bờ ruộng thuộc địa phận Khánh Bình mà cứ chảy về Thạnh Phước. “Cái khổ của bà con nông dân là ở chỗ, nước mưa ngập ứ ruộng đã đành, nay gánh chịu thêm luồng nước từ Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, rồi Khánh Bình gặp khi thủy điện hồ Trị An xả lũ là nước ập về, người dân ở Thạnh Phước phải gánh chịu hết. Chính bên bờ đê quá cao và một bên trũng đã làm cản trở hiệu quả thoát nước của đê bà Tô khi mưa to. Người dân chúng tôi luôn đối mặt với rủi ro thất bát và không thể tính sinh kế lâu dài”, một lão nông tại đây nói. Lão nông này cũng kiến nghị địa phương, TX.Tân Uyên cần sớm có biện pháp nạo vét, kiên cố hóa bờ đê, khơi thông dòng chảy để bà con tiếp tục canh tác.
Ông Huỳnh Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước cho biết, để ứng phó với tình trạng ngập úng, kết hợp mưa lớn làm vỡ đê, tháng 10-2016 TX.Tân Uyên đã chi ngân sách cả tỷ đồng để gia cố bờ đê. Tuyến đê được kỳ vọng là tấm lá chắn vững chắc cho khu canh tác của nông dân ở khu phố Cây Chàm. Tuy nhiên, chỉ sau vài cơn mưa lớn từ trung tuần tháng 10-2017, do mưa quá nhiều và nước về quá nhanh khiến tuyến đê này đã bị vỡ, gây ngập nặng. Trong khi chờ đợi các ngành chức năng xử lý tuyến đê bị vỡ, địa phương đã động viên bà con khơi thông ruộng đồng, khắc phục ngập úng cục bộ. Đối với những diện tích hoa màu đang còn non thì có thể khôi phục lại bằng cách tháo nước, tiếp tục đầu tư bón phân; những diện tích ngập úng nhiều, không khắc phục được thì địa phương tuyên truyền để bà con nông dân nhổ hoa màu đưa đến nơi diện tích cao hơn trồng lại để sớm có sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Ông Huỳnh Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước: Hiện địa phương có tổng diện tích đất khoảng 805 ha, trong đó có khoảng 400 ha đất nông nghiệp; tất cả đất sản xuất nông nghiệp đều nằm ven suối Cái. Hiện nay, 2/3 diện tích đất nông nghiệp của phường đều bị ngập úng. Địa phương, ngành chức năng của thị xã và tỉnh đã khảo sát địa hình để làm bờ kè từ xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên - Thành phố mới Bình Dương đến Thạnh Phước, nhưng nguồn kinh phí dự kiến quá lớn. Địa phương kiến nghị cấp trên nghiên cứu, sớm thực hiện đề án theo từng giai đoạn nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế ảnh hưởng mưa bão đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn.
THANH HỒNG