Còn đó… những khó khăn Không gần trung tâm Thủ đô, không nằm cạnh những tuyến đường giao thông thuận lợi, hai huyện Ba Vì, Sóc Sơn dường như có nhiều khó khăn hơn trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Người nông dân nơi đây cứ loay hoay tìm hướng thoát nghèo song không ít hộ vẫn phải đối mặt với cái nghèo hàng chục năm. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân chia sẻ, cộng đồng dân cư trong huyện có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao chung sống, nghề nghiệp chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài các xã vùng đồng bằng, huyện còn có 7 xã thuộc vùng miền núi, 13 xã thuộc vùng đồi gò và một xã giữa sông Hồng. Từ trung tâm huyện đến xã xa nhất tới hơn 40km, trình độ dân trí còn thấp, nền kinh tế chậm phát triển, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn. Xét theo tiêu chí mới, số hộ nghèo của huyện chiếm khoảng 19,6% (trong đó 10/31 xã chiếm trên 25%). Số hộ có nhà ở xuống cấp còn nhiều.
Ráng chiều dưới chân núi Ba Vì.Cách trung tâm Hà Nội chỉ 45km, Sóc Sơn là huyện lớn thứ hai thành phố với diện tích hơn 30.000ha, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều xã được xếp vào "hạng" nghèo nhất của Thủ đô. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho biết, toàn huyện có hơn 9.600 hộ nghèo/61.000 hộ, trong đó 7 xã có số hộ nghèo nhiều nhất chiếm trên 15% dân số. Nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở Sóc Sơn cao là do đất đai bạc màu, đồng ruộng bậc thang gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, trong khi toàn huyện có tới hơn 70% dân số sống bằng nghề nông, trình độ dân trí thấp. Không chỉ ở Ba Vì, Sóc Sơn cái đói, cái nghèo vẫn luẩn quẩn ở nhiều thôn, xóm mỗi miền quê Hà Nội như Mỹ Đức, Quốc Oai, Gia Lâm… Th.S Lê Thiết Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố còn khoảng 9,60%. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp 57,85%, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 29,53%.Khởi sắc từ những đồng vốn vay Hiện nay, người dân nông thôn ngoài đối mặt với tình trạng đất đai khó canh tác, lại phải đối diện với nguồn vốn eo hẹp. Nhiều hộ dân muốn làm cuộc "cải cách" trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, song cánh cửa tài chính dường như khóa chặt. Nhận thức vai trò nguồn vốn đối với sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng, chính quyền thành phố và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nội đã nỗ lực cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân. Ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc NHCSXH TP cho biết, năm 2010, Ngân hàng đã cho hơn 150.000 hộ vay với số vốn khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó 640 tỷ đồng cho 45.000 hộ nghèo vay. Dư nợ cho vay hộ nghèo đạt khoảng 1.220 tỷ đồng với 106.000 hộ, tăng 105 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn cho vay ưu đãi NHCSXH TP đã giúp gần 15.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 30.000 lao động, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn TP. Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) Nguyễn Mạnh Khẩn đưa chúng tôi tới thăm chuồng bò nhà chị Nguyễn Thị Lê ở thôn Hát Giang và vui vẻ giới thiệu, trước đây chị Lê là hộ nghèo của xã, nhờ được vay 20 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư mua bò sữa, gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện 10 con bò sữa của gia đình chị đã cung cấp từ 100 đến 170kg sữa mỗi ngày, đạt mức thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Anh Khẩn cho biết: "Hiện tổng đàn bò sữa của xã đã có 1.200 con và kế hoạch sẽ phát triển lên 1.800 con trong năm tới. Nhiều hộ dân ở Tản Lĩnh đã thoát nghèo, có thu nhập khá từ nghề nuôi bò sữa. Đây là nhờ nguồn vốn ưu đãi kịp thời của NHCSXH". Hiện nay, 100% số xã thuộc huyện Ba Vì đang tập trung phát triển đàn bò sữa theo quy mô gia đình, dự kiến nâng tổng đàn bò lên 20 nghìn con trong năm 2011. Với nhiều nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo (trong năm 2010, đã có 8.000 hộ được vay vốn từ nguồn vốn này với số vốn 78,5 tỷ đồng, đã giúp khoảng 1.000 hộ trong huyện thoát nghèo). Mùa xuân cũng khởi sắc trên xã nghèo Phù Dực của huyện Gia Lâm. Tự hào kể về những hộ vay vốn vươn lên thoát nghèo như các chị Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Thị Bảy, Trần Thị Thảo, bác Bùi Thị Nhâm, Tổ trưởng tổ tiết kiện vay vốn thôn cho biết, nhờ có vốn mở rộng chăn nuôi bò sữa nên mỗi tháng mỗi hộ đã có thu nhập từ 5-10 triệu đồng. Theo số liệu của NHCSXH huyện Gia Lâm, hiện nay, ngân hàng này đã cho 2.600 hộ nghèo và cận nghèo vay với số vốn là 41.908 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp 480 hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 2,78% (năm 2009 là 3,394%). Xuân đã về trên khắp các miền quê của Thủ đô 1000 năm tuổi. Bữa ăn ngày Tết năm nay của nông dân các vùng quê này sẽ sung túc hơn. Những ngôi nhà mới tươi màu ngói đỏ đang dần dần mọc lên làm bức tranh mùa xuân thêm căng tràn sức sống.
Theo HNM