Những tháng cuối năm 2020, kinh tế Bình Dương đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực từ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh đã và đang được duy trì, từng bước phục hồi. Thời gian còn lại của năm 2020, công nghiệp của tỉnh đang “chạy nước rút”, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp với kỳ vọng đạt mục tiêu trong năm nay.
Người lao động tại các DN đang tất bật làm việc để đáp ứng kịp thời những đơn hàng cuối năm
Doanh nghiệp tăng tốc
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, những tháng cuối năm, các DN trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc sản xuất, đẩy nhanh tiến độ, sử dụng nhiều phương thức giao thương mới và tìm được nhiều đơn hàng xuất khẩu… Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, cho biết những tháng gần đây, các DN gốm sứ Bình Dương liên tục nhận được nhiều đơn hàng lớn. Hiện nay, hầu hết các công ty phải tổ chức tăng ca, hoạt động 150 - 180% công suất để kịp giao hàng cho đối tác.
Theo ông Ngô Tuấn Oánh, Chi hội trưởng Chi hội Thương gia Đài Loan (Trung Quốc) tại Bình Dương, dịch bệnh Covid-19 đã làm 40% DN ngành gỗ bị ảnh hưởng, nhiều công ty đã phải giãn tiến độ sản xuất. Tuy nhiên, các DN ở Bình Dương đã có sự chủ động kế hoạch, ngoài ra có các đơn hàng ký từ năm trước để duy trì sản xuất nên cũng giảm bớt những ảnh hưởng. Hiện các DN đang tất bật với những đơn hàng cuối năm. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cũng phấn khởi cho biết, dù vẫn còn bị ảnh hưởng do Covid-19 nhưng nhiều DN ngành sản xuất đồ gỗ trong tỉnh đang cấp tập tuyển thêm nhân công để kịp sản xuất nhằm bảo đảm đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại trong những tháng cuối năm.
Theo Sở Công thương, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thời điểm về cuối năm sản xuất công nghiệp của tỉnh đã khởi sắc và dần phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 6,77% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu đều tăng. Đây là tín hiệu lạc quan, tạo đà cho sự tăng trưởng cao hơn sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Nhằm triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả để đồng hành và hỗ trợ đối với DN, tỉnh đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của DN nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển DN. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa một số thủ tục để phục vụ DN và đã đạt được kết quả tích cực. Từ đó tạo điều kiện cho DN phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng chính là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã có buổi gặp gỡ với các hiệp hội và DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tại buổi gặp, đại diện các DN bày tỏ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Do đó tỉnh đề xuất các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ mở rộng vốn vay, giãn nợ để DN vượt qua khó khăn, yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, để kinh tế Bình Dương tăng trưởng cao trong các tháng còn lại của năm 2020, tỉnh đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, như: Triển khai gói hỗ trợ tín dụng lần hai cho các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn, tập huấn về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm giúp DN chủ động nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, hỗ trợ DN khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới đây, nhưng nhìn chung kinh tế của tỉnh đang có chiều hướng phục hồi và khả năng sẽ tăng trưởng cao trong quý IV-2020. Để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, tỉnh đang quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ, khuyến khích DN chuyển đổi số, giảm thâm dụng lao động... Thời gian tới, các cấp chính quyền tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ DN nhiều hơn nữa. Song song đó, chính quyền các cấp chuẩn bị điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.
NGỌC THANH