Xã An Tây, TX.Bến Cát là địa phương được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật TX.Bến Cát chọn làm điểm để xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP. Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP ở xã An Tây. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Chi phí giảm, năng suất cao
Những cánh đồng ruộng lúa trĩu bông đang sắp cho thu hoạch thực hiện theo mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây có sự khác biệt so với các cánh đồng bên cạnh, đó là cây lúa không bị bạc lá, nhiều bông, bông đều và to hơn. Theo Hội Nông dân xã An Tây, lợi ích khi tham gia mô hình này là giảm được chi phí, năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng lên, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong vụ mùa năm 2016, nhờ giảm lượng giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc lúa nên những gia đình nông dân tham gia mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP ở xã An Tây đã giảm được chi phí đầu tư từ 30 - 40% so với sản xuất như trước đây. Điều quan trọng nữa là tham gia mô hình này, các gia đình ít phải phun thuốc nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn cho lúa, gạo.
Ông Nguyễn Lê Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tây cho biết, với cách sản xuất lúa truyền thống của địa phương như trước đây không cạnh tranh được với lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, trong những năm qua nhiều diện tích lúa ở An Tây đã bị bỏ hoang hóa vì năng suất thấp, thu nhập không cao. Trước tình hình đó, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật TX.Bến Cát triển khai nhiều chương trình giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng VietGAP.
Ông Minh cho biết thêm, tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP không chỉ giúp các gia đình nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mà qua đó nhận thức của người nông dân từng bước thay đổi, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học... Nhờ đó, mô hình này không chỉ bảo đảm năng suất lúa cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra nông sản có chất lượng và an toàn.
Tạo điều kiện nhân rộng mô hình
Thời gian qua, xã An Tây đã đề ra các chính sách nhằm tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao. Tuy nhiên, ngành trồng trọt nói chung, trồng lúa nói riêng trên địa bàn xã đang trong tình trạng sản xuất thiếu tập trung, chi phí sản xuất cao, sản phẩm làm ra chưa có sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã An Tây, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng trên địa bàn hiện nay trước hết là do mặt bằng đồng ruộng không đồng đều, trong khi giao thông thủy lợi có đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh khiến việc di chuyển các phương tiện, máy móc gặp khó khăn, từ đó đã ảnh hưởng đến tiến độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của nhiều nông dân trong xã chưa cao nên việc ghi chép sổ sách kiến thức về mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP không chính xác, dẫn đến áp dụng trên đồng ruộng chưa phù hợp...
Các chuyên gia cho biết, sản xuất lúa theo hướng VietGAP là định hướng phát triển sản xuất tích cực, bền vững, giúp nông dân ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa và hiện đại hóa sản xuất, tạo đà phát triển theo hướng bền vững. Từ đó đưa ngành nông nghiệp của địa phương phát triển nhanh và bền vững, theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Thiết nghĩ, xã An Tây nên có thêm những chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP; cùng với đó xây dựng hệ thống thông tin và dự báo về nhu cầu tiêu thụ, giá lúa, gạo, vật tư nông nghiệp để nông dân chủ động sản xuất cho phù hợp và hiệu quả hơn…
THOẠI PHƯƠNG