Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương phát biểu ý kiến. Sáng 22-11, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng
Mở đầu phiên họp sáng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Báo cáo đã nêu rõ về các nội dung: giảm trừ gia cảnh; thu nhập chịu thuế, thu nhập không chịu thuế; biểu thuế suất; việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh cá th ể; thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.
Với đa số tán thành, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Khoản 4 Điều 1 của Luật quy định: sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 như sau: “1. Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.”
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.
Giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại địa bàn dân cư
Thời gian còn lại của phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở. Các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải cơ sở trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Việc xây dựng khung pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ thúc đẩy sự lựa chọn của người dân, sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp nhiều bên vào quá trình hòa giải, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc; đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại địa bàn dân cư.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động hòa giải ở cộng đồng dân cư là góp phần xây dựng tình đoàn kết, ngăn ngừa và xử lý các xích mích, mâu thuẫn chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự, hành chính hoặc dân sự.
Dự án luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định mới về chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên và tổ trưởng tổ hòa giải; trách nhiệm của tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật cần phải nhấn mạnh quan điểm không hành chính hóa và tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở đồng thời khẳng định bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện của người dân, do người dân tự quản, tự quyết định là chính, nên phải tạo điều kiện để người dân phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trên địa bàn ngay từ khi mới phát sinh.
Mặt trận Tổ quốc và hòa giải viên chủ yếu giữ vai trò trung gian, hỗ trợ, giúp các bên giải quyết tranh chấp, nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải.
Thảo luận về tiêu chuẩn hòa giải viên vẫn còn hai quan điểm khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định tiêu chuẩn hòa giải viên là cần thiết song nên linh hoạt, không cứng nhắc đối với một số tiêu chuẩn, trong đó cần cân nhắc tiêu chuẩn có hiểu biết pháp luật.
Các đại biểu phân tích để lựa chọn được những hòa giải viên có hiểu biết pháp luật là điều không đơn giản và không phải ở cộng đồng nào cũng có thể lựa chọn được những người đáp ứng tiêu chuẩn này. Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động hòa giải, yếu tố uy tín của cá nhân và khả năng thuyết phục là rất quan trọng để vận động các bên có liên quan cùng đồng thuận, tự nguyện, tự quyết định vấn đề của mình chứ không chỉ thuần túy dựa trên hiểu biết pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nhấn mạnh hòa giải là một nghệ thuật, trong đó thuyết phục vừa phải có lý, có tình. Theo đại biểu, hòa giải viên không chỉ đơn thuần là giảng giải, phân tích mà khi cần còn phải biết vận dụng cả những kinh nghiệm dân gian, tập quán với từng vụ việc cụ thể để biến mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn nhỏ thành không mẫu thuẫn.
Trên cơ sở những ý kiến này, đại biểu cho rằng hòa giải viên là người có uy tín, có khả năng thuyết phục, am hiểu tập quán, nhiệt tình trách nhiệm nhưng không cần thiết phải quy định có hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng vẫn cần thiết quy định hòa giải viên am hiểu pháp luật để trên cơ sở nền tảng pháp luật, đưa ra phân tích thuyết phục, hợp lý, đúng pháp luật đối với các bên trong quá trình hòa giải.
Nội dung phạm vi hòa giải ở cơ sở (Điều 3) được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo quy định của dự án luật (Khoản 1 Điều 2) thì phạm vi “Hòa giải ở cơ sở” nhằm giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với Ban soạn thảo quy định phạm vi hòa giải trong dự án luật vì phù hợp với quy định của Hiến pháp, kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành và phù hợp với thực tế yêu cầu cũng như đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về phạm vi của mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, trên thực tế rất khó “lượng hóa” hay phân định được vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, theo quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, vì vậy nên thiết kế Điều 3 theo hướng loại trừ, chỉ quy định những vụ, việc không được hòa giải ở cơ sở là đủ và dễ hiểu, tránh phức tạp không cần thiết; rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan để quy định trong dự án luật các vụ việc không được hòa giải, đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Về nội dung bầu hay lựa chọn hòa giải viên, dự thảo luật đưa ra 2 phương án: Phương án thứ nhất là quy định theo hướng tổ chức họp đại diện các gia đình ở cơ sở để bầu hòa giải viên. Phương án thứ hai là quy định theo hướng không bầu hòa giải viên mà chỉ lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên.
Qua thảo luận, các đại biểu có hai quan điểm khác nhau. Một số ý kiến tán thành phương án 1 vì cho rằng phương án này bảo đảm dân chủ, người dân được tham gia trực tiếp vào quyết định lựa chọn các hòa giải viên. Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định theo hướng không bầu hòa giải viên mà chỉ lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên.
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) và nhiều ý kiến khác đều cho rằng việc tổ chức một cuộc họp để bầu hòa giải viên là khó thực hiện, hình thức vì đây không thật sự là những vấn đề bức thiết trong đời sống nhân dân.
Theo TTXVN