Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một đạt giải Ba giải thưởng Loa Thành

Cập nhật: 13-12-2021 | 18:11:40

Sáng 12-12, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, sinh viên Đinh Sỹ Tuấn, ngành Kiến trúc, trường Đại học Thủ Dầu Một (ĐH) đã vinh dự được trao giải ba Giải thưởng Loa Thành năm 2021 dành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc.

Loa Thành là giải thưởng uy tín quốc gia dành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên (SV) các chuyên ngành đào tạo về xây dựng và kiến trúc. Giải thưởng nhằm  ghi nhận những nỗ lực của SV trong quá trình học tập, thể hiện qua sự sáng tạo, ứng dụng những khoa học kỹ thuật mới và công nghệ hiện đại vào trong đồ án tốt nghiệp.

Giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức. Giải hưởng năm nay quy tụ 188 đồ án được chọn lựa kỹ lưỡng từ các trường ĐH có đào tạo ngành kiến trúc, quy hoạch, xây dựng trong cả nước. Những tiêu chí khắt khe để xét giải là: phải thể hiện tính tổng hợp và tính hệ thống kiến thức của người kiến trúc sư, đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đào tạo của các chuyên ngành…; có áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại và có tính sáng tạo, độc đáo; có tính khả thi trong điều kiện Việt Nam. Sau quá trình đánh giá, Hội đồng giải thưởng đã chọn ra 64 đồ án xuất sắc để trao 5 giải nhất, 13 giải nhì, 23 giải ba, 23 giải khuyến khích. Đồ án “Trung tâm trưng bày và thực nghiệm hang động núi lửa Krông Nô” của SV Đinh Sỹ Tuấn dưới sự hướng dẫn của TS.KTS Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc trường ĐH Thủ Dầu Một đã vinh dự được trao giải ba giải thưởng Loa Thành năm nay.

Đinh Sỹ Tuấn được ban tổ chức trao giải ba Giải thưởng Loa Thành năm 2021

Trò chuyện với phóng viên, Tuấn cho hay: “đối với tôi, đến với kiến trúc là một điều bất ngờ, là một giấc mơ. Tôi lớn lên ở một vùng quê với bốn bề là rừng núi với những chú trâu, với những cánh đồng bao la bát ngát, có lẽ vì vậy mà tôi trở nên yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp của núi rừng, từ đây mà cảm nhận về kiến trúc của tôi cũng dần hình thành”. Lựa chọn đề tài “Trung tâm trưng bày và thực nghiệm hang động núi lửa Krông Nô, Đắk Nông” là một trong những đề tài mà Tuấn được nghiên cứu liên quan đến địa chất, liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên. “Đến với Krông Nô, tôi mới cảm nhận được sự bao la với vẻ đẹp vô tận đến nhường nào và cũng từ đây ý tưởng thiết kế dần được hình thành. Xa xưa Krông Nô được tạo nên từ những mảng sụt lún sau quá trình phun trào của núi lửa, hình thành các hang động như ngày nay. Ngoài thiết kế là một nơi trưng bày và trải nghiệm hang động thì đây cũng là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Không những vậy, nơi đây còn được tạo dựng các cầu nối hình thành một địa điểm du lịch hiện nay và cho tương lai, cho sự phát triển của Krông Nô, Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung”, Tuấn đã chia sẻ.

 Dựa trên tiền đề phát triển của công viên địa chất, Tuấn đã tìm hiểu và nghiên cứu thực hiện đồ án “Trung tâm trưng bày và thực nghiệm hang động núi lửa Krông Nô”. Sự hình thành của núi lửa, các mảng sụt lún đã hình thành từ xa xưa đã tạo nên một Krông Nô hùng vĩ như ngày nay, địa hình chính là nguồn cảm mà Tuấn đưa vào thiết kế của mình sự cắt sẻ mạnh của địa chất chính là những bước đầu tiên hình thành nên từng khối từng phần của công trình. Công trình được thiết kế mô phỏng quá trình hình thành của núi lửa, sự phun trào của dung nham, với hai khối chính gồm 5 tầng. Không gian trải nghiệm và học tập được thiết kế song song kết hợp với nhau, ngoài ra điểm nổi bật chính của công trình chính là trục trải nghiệm cắt ngang qua khối, tạo ra các không gian khác nhau từ học tập trải nghiệm làng nghề đến giao lưu văn hóa.

TS.KTS.Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc, Giảng viên hướng dẫn nhận xét, đồ án rất phù hợp với vị trí nghiên cứu, bởi vì hệ thống hang động núi lửa thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước nói riêng và chính quyền các cấp trong tỉnh nói chung. Qua các cuộc tìm kiếm của Hội Hang động núi lửa Nhật Bản và các nhà địa chất Việt Nam đã xác định cụ thể vị trí và kích thước của 15 hang trên tổng số 45 hang đã được phát hiện. Cũng đã có một số đề tài liên kết giữa Viện bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện cuộc khảo sát, đánh giá và đề xuất những ý kiến đóng góp quý báu cho hệ thống hang động núi lửa. Hiện tại, hệ thống hang động này đạt được tiêu chí là di sản địa chất toàn cầu và được công nhận công viên địa chất toàn cầu của UNESSCO.

Đồ án có tính thực tiễn cao và góp phần vào việc trưng bày, giới thiệu quảng bá rộng rãi, mọi lúc, mọi nơi những bí ẩn và tiềm năng của hệ thống hang động này không những về cấu trúc, địa tầng và di cảo khảo cổ mà còn nhân rộng và quảng bá về thực tế ảo các hang động và các sản phẩm được làm ra từ các nguyên liệu của hệ thống hang động này nhằm giúp cho cộng đồng quốc tế quan tâm, tìm hiểu, tham quan và mua sắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ này. Đồ án có mục tiêu rõ ràng và đúng định hướng nghiên cứu; thiết kế và tổ chức không gian tại khu vực có cảnh quan đẹp. Tổ chức không gian tổng thể phù hợp, các khu vực chức năng, phân khu chức năng hợp lí, có tính liên hệ chặc chẽ về giao thông không gian cảnh quan và công trình khá hài hoà. (TS.KTS.Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc trường ĐH Thủ Dầu Một)

Quỳnh Anh

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=731
Quay lên trên
X