Hướng đến Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6) năm nay, các cơ quan, ban ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động và thu hút đông đảo người dân tham dự.
Sẵn sàng cho ngày ra quân
Theo kế hoạch, lễ ra quân hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (PCMT) năm nay sẽ được tổ chức tại TP.Tân Uyên vào ngày 25-6. Đến nay, các hoạt động cho sự kiện này đã hoàn tất. Dự kiến lễ ra quân sẽ có khoảng 1.500 người tham dự.
Theo ghi nhận của P.V, những ngày qua nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm hưởng ứng sự kiện này. Theo thông lệ hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền về PCMT và tác hại của ma túy. Cuộc thi năm nay đã thu hút học sinh của nhiều cấp học tham gia, tạo được sự lan tỏa mạnh, trở thành một phong trào rất ý nghĩa trong đối tượng học sinh. Dự kiến vào ngày 25-6 sẽ tiến hành trao giải cho các tác phẩm xuất sắc.
Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh nói chuyện về công tác PCMT tại phường Hưng Định, TP.Thuận An. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) cũng tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà cho học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và hai điểm tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện tại cộng đồng ở xã An Tây (TX. Bến Cát) và phường An Thạnh (TP.Thuận An). Trước đó, vào ngày 23-6, tại TP.Tân Uyên đã tổ chức ra mắt mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cắt cơn, giải độc tại cộng đồng” tại phường Thái Hòa và phường Khánh Bình.
Vì một môi trường không ma túy
Có thể nói, công tác PCMT, đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng dân cư luôn được các cơ quan, ban ngành, các địa phương xem là một nhiệm vụ chính trị và được thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian qua. Các ban ngành, với vai trò của mình luôn nỗ lực để có một môi trường không ma túy, không có ai, gia đình nào phải khổ vì “cái chết trắng”. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai các hoạt động cụ thể đến các cấp hội với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, khu vực.
Theo bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc tăng cường tuyên truyền PCMT sẽ giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về hậu quả, tác hại của ma túy đối với đời sống xã hội. Đây còn là việc cần làm để từng bước nâng cao hiệu quả công tác PCMT kết hợp với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thực hiện tiêu chí “Gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”. |
Năm nay, Hội LHPN ở cấp huyện đã có sự đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương và vận động người thân tích cực tham gia các hoạt động PCMT. Cũng trong tháng 6 này, cán bộ hội ở cơ sở còn phối hợp tổ chức quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân nữ tái hòa nhập cộng đồng; giúp cho người sau cai nghiện hoặc người hoàn lương có việc làm ổn định.
Với vai trò của mình, các ban ngành như Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH… đã có nhiều cách làm nhằm phát huy hiệu quả của công tác cai nghiện tại cộng đồng, từng bước làm trong sạch địa bàn. Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết đến cuối năm 2022 toàn tỉnh đang quản lý 3.240 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Hiện nay, độ tuổi người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, thành phần cũng đa dạng; xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng.
Thời gian qua, Sở LĐ- TB&XH đã phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phối hợp kịp thời trong việc tham mưu các văn bản để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương cũng như đăng ký thực hiện việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH, với sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn thì cần thực hiện hàng loạt giải pháp, như: Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến về hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng ngừa nghiện ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng. Các huyện, thị, thành phố cần nhanh chóng công bố các điểm cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho các điểm cung cấp dịch vụ cấp huyện… Các địa phương (cấp xã, phường) triển khai, nhân rộng mô hình Điểm hỗ trợ, tư vấn, quản lý sau cai để giới thiệu việc làm cho những người đã qua cai nghiện... phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
T.PHƯƠNG - Q.NHƯ