Sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành chế biến cá tra

Cập nhật: 23-06-2012 | 00:00:00

“Giá cá tra bây giờ có xuống tới đáy là 15.000 đồng/kg thì doanh nghiệp cũng không mua được vì tiền đâu mà mua! Nông dân chết, doanh nghiệp và ngành chế biến cá tra xuất khẩu cũng chết theo”.

Nhận định trên là của ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tại cuộc gặp giữa Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL và VASEP ngày 23-6 nhằm bàn biện pháp cứu cá tra khỏi... chết chìm. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra tại cuộc gặp đều khó khả thi do dính tới tiền trong khi từ lâu ngân hàng đã quay lưng.

  Thu hoạch cá tra ở TP Cần Thơ Không thể mua dù giá rẻ như bèo

Không những không cho vay mà còn tích cực thu hồi vốn

“Nông dân chết một nhưng DN chế biến cá tra đang chết tới mười. Hiện chỉ có khoảng 30% DN hoạt động được 70% công suất, 20% DN gần như không còn hoạt động, còn lại hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Mặc dù thị trường xuất khẩu đang rất tốt nhưng DN thiếu vốn, ngân hàng chẳng những không cho vay mà còn tích cực thu hồi vốn đã làm DN và nông dân nuôi cá tra chết ngay trên sân nhà”.

Phó Chủ tịch VASEP       

Dương Ngọc Minh

Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, đầu tháng 4-2012 giá cá tra phục hồi mạnh và đạt mức 27.000-28.000 đồng/kg. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn giá cá liên tục lao dốc và đến nay chỉ còn 18.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi cá bị lỗ 5.000-6.000 đồng/kg.

Nhưng dù giá rẻ như bèo mà doanh nghiệp (DN) không mua. Rất nhiều ao cá tra của dân đã đến kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai. “Nghịch lý ở chỗ trong lúc các nhà máy đang thiếu nguyên liệu chế biến, thị trường xuất khẩu đang tốt mà DN lại không mua cá. Tình trạng này đã xảy ra ba tháng rồi mà Nhà nước vẫn chưa có biện pháp hỗ trợ một cách hiệu quả”, ông Hiền bức xúc.

Theo thống kê của các tỉnh ĐBSCL, hiện nay toàn vùng có gần 3.900ha nuôi cá tra. Từ tháng 6 đến tháng 8-2012 sẽ có 1.300ha đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 400.000 tấn. Và những tháng cuối năm tiếp tục có 2.600ha thu hoạch khoảng 700.000 tấn nữa. Một mặt, sản lượng cá tra nguyên liệu nhiều như thế này sẽ giúp các nhà máy có để chế biến xuất khẩu. Nhưng mặt khác sẽ là gánh nặng đối với nông dân trong trường hợp không tiêu thụ được hoặc giá quá thấp như hiện nay.

Ông Hồ Văn Vàng, một hộ nuôi cá tra ở Vĩnh Long, cho biết giá cá thấp mà không bán được đã làm người nuôi điêu đứng, hiện không còn vốn để mua thức ăn cho cá. Trong khi đó ngân hàng không cho vay. Tình trạng này kéo dài thêm 1-2 tháng nữa thì có thể tất cả người nuôi cá tra sẽ phá sản và không bao giờ dám nuôi nữa.

Xem cá tra như lúa gạo

Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL kiến nghị Chính phủ cần có gói hỗ trợ khẩn cấp để cứu ngành chế biến cá tra xuất khẩu. Theo ông Hiền, cá tra là sản phẩm chiến lược quốc gia nên cần có chính sách tín dụng đặc thù trong giai đoạn hiện nay để giúp DN và nông dân thoát khỏi nguy cơ phá sản. Ông đề nghị: “Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ những vướng mắc, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho DN và nông dân tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Cụ thể là cho nông dân đang nuôi cá chưa bán được được vay lãi suất 0,65%/tháng”.

Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cũng thống nhất kiến nghị Bộ Công Thương có biện pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào nuôi cá để người dân an tâm sản xuất, chứ nếu cứ tăng liên tục như thời gian qua thì không ai dám nuôi nữa. Ngoài ra, phải sắp xếp lại các DN xuất khẩu thành ngành kinh doanh có điều kiện, không phải DN nào muốn tham gia cũng được trong khi họ không có vốn hoặc vốn ít. Biện pháp căn bản là phải xem cá tra là sản phẩm như lúa gạo, cần có chính sách giá để đảm bảo người nuôi có lãi tối thiểu 10% (nông dân trồng lúa lãi tối thiểu 30%). Để tránh tình trạng bát nháo trong thu mua nguyên liệu và xuất khẩu như hiện nay thì nhất thiết phải quy định giá xuất khẩu. Nếu DN nào bán phá giá, mua ép nông dân, gian lận... thì phải xử lý nghiêm.

Đại diện VASEP cho biết Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ hai gói hỗ trợ người nuôi cá và DN với số tiền 4.400 tỉ đồng. Theo đó, gói hỗ trợ người nuôi cá 2.000 tỉ đồng sẽ do ngân hàng trực tiếp thanh toán cho nông dân, DN chỉ đứng ra mua dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Còn gói hỗ trợ DN 2.400 tỉ đồng sẽ dành cho DN chế biến có liên kết với nông dân nuôi cá hoặc DN tự nuôi cá để chế biến. Nếu được Chính phủ chấp thuận thì các DN sẽ mua cá tra tạm trữ cho nông dân giống như mua lúa gạo.

Tuần tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh ĐBSCL nắm lại tình trạng khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra để báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp khẩn cấp theo đề nghị của nông dân và DN.

Liên kết với DN thì không sợ lỗ

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang) cho rằng, tình trạng DN và nông dân khốn đốn với con cá tra như thế này đã xảy ra liên tục nhiều năm nay. Để tự cứu mình, xu hướng DN sẽ đầu tư nuôi cá tra phục vụ chế biến chứ không mua bên ngoài nữa. Công ty Gò Đàng đang nuôi 150ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm, đáp ứng 100% nhu cầu chế biến. Còn nông dân nếu muốn không thua lỗ và không hồi hộp khi thị trường “nóng lạnh nhức đầu” thì phải liên kết với DN để nuôi cá.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=478
Quay lên trên