“Sốt đất” - thực hư và lời cảnh tỉnh… Bài 3

Cập nhật: 06-04-2022 | 08:27:18

Bài 3: Siết chặt hoạt động phân lô, tách thửa, môi giới bất động sản

 Nhìn vào “vết dầu loang” cơn sốt bất động sản khắp cả nước, dễ dàng nhận thấy có một số tổ chức, cá nhân đang cố tình tạo bong bóng bất động sản để thu lợi. Xác định rõ mục tiêu cấp thiết hiện nay là đưa ra những chính sách, văn bản quy định cụ thể, chi tiết về các hoạt động môi giới, giao dịch bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt. Sự chỉ đạo kịp thời cùng những quy định đi kèm được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản bình ổn trở lại.

 Triển khai thực hiện những văn bản pháp lý chặt chẽ, chế tài mạnh sẽ góp phần hạn chế tình trạng “băm nhỏ” đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch phát triển của các địa phương. Trong ảnh: Đất nông nghiệp ở một địa bàn vùng ven được cắm mốc phân lô, người mua xuống tiền chốt cọc ngay cả khi chưa nắm được đầy đủ thông tin pháp lý liên quan

 Những quy định mới

Bên cạnh việc chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường giám sát hoạt động phân lô, tách thửa các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để ngăn chặn làn sóng băm nhỏ đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch tổng thể của quốc gia, địa phương, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định liên quan đến hoạt động giao dịch, môi giới bất động sản. Nghị định này quy định rõ về mức phạt đối với những hành vi như hành nghề môi giới không có chứng chỉ, thu phí môi giới không đúng quy định, giao dịch bất động sản lách luật để né các khoản thuế, phí…

Cụ thể, để xử lý dứt điểm tình trạng cò đất trá hình xuất hiện nhan nhản nhưng không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hạn khiến thị trường kinh doanh bất động sản gặp nhiều biến động, Nghị định 16/2022/NĐ-CP có những quy định khá chi tiết, mức xử phạt khá cao. Điểm a, Khoản 1, Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với các cá nhân có các hành vi sau: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản. Như vậy, theo quy định trên, chỉ có những người có chứng chỉ hành nghề còn thời hạn sử dụng mới được môi giới bất động sản. Nếu cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng và phải bổ sung chứng chỉ hành nghề theo quy định khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập, mức phạt này cao hơn mức phạt cũ tại Khoản 1, Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định rõ về nghĩa vụ thuế mà các tổ chức, cá nhân tham gia làm môi giới bất động sản, giao dịch, mua bán bất động sản. Cụ thể, để tránh nguy cơ thất thu ngân sách từ các hoạt động giao dịch, môi giới bất động sản, Tổng cục Thuế có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các cục thuế ở địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng giám sát hoạt động giao dịch bất động sản, ngăn chặn tình trạng mua bán bất động sản theo hình thức hai hợp đồng để né thuế.

Cụ thể, đối với những hợp đồng mua bán công chứng thể hiện giá trị tài sản bất động sản thấp hơn giá trị trường một cách bất thường, ngành thuế có trách nhiệm phối hợp ngành chức năng địa phương làm rõ và truy thu phần chênh lệch. Ngoài ra, bên liên quan đến giao dịch bất động sản bị phát hiện cố tình khai không đúng giá trị thực tế của giao dịch bất động sản còn bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp sai phạm nghiêm trọng.

 Để xử lý dứt điểm tình trạng cò đất trá hình xuất hiện nhan nhản nhưng không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hạn khiến thị trường kinh doanh bất động sản gặp nhiều biến động, Nghị định 16/2022/NĐ- CP có những quy định khá chi tiết, mức xử phạt khá cao. Điểm a, Khoản 1, Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với các cá nhân có các hành vi sau: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản.

Hạn chế hoạt động phân lô, tách thửa

Sau khi báo chí phản ánh nhiều nội dung liên quan đến hoạt động phân lô, tách thửa rầm rộ các loại đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, nhiều địa phương đã ra văn bản quy định cấm, hạn chế hoạt động phân lô, tách thửa. Việc ban hành các văn bản kịp thời được các chuyên gia đánh giá là sẽ tạo tiền đề ngăn ngừa, hạn chế tình trạng băm nhỏ đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch của địa phương, vùng kinh tế.

Để bảo đảm quy hoạch phát triển địa phương đi đúng hướng, hiện nay một số địa phương đã ra quyết định tạm dừng, hạn chế hoạt động phân lô, tách thửa các loại đất nông nghiệp. Ngay sau khi các văn bản này được ban hành, hoạt động môi giới, giao dịch các loại bất động sản nông nghiệp, phi nông nghiệp vùng ven mang mác “nghỉ dưỡng” đã giảm đáng kể. Việc này cũng khiến bong bóng bất động sản ngừng bị phồng to và có khả năng cao sẽ bị “xẹp” theo thời gian. Quỹ đất quy hoạch phát triển nông nghiệp, phi nông nghiệp cũng vì vậy mà được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì, bảo đảm cân bằng cơ cấu kinh tế của địa phương, vùng trọng điểm.

Theo tìm hiểu, hiện nay, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu tỉnh đối với các hoạt động phân lô, tách thửa tự phát bất động sản nông nghiệp, phi nông nghiệp ở vùng ven. Dự kiến trong thời gian ngắn tới đây, tỉnh sẽ ban hành những văn bản mới, quy định về điều kiện phân lô, tách thửa và các hoạt động môi giới, giao dịch bất động sản trên địa bàn. Dù chưa biết những quy định mới sẽ thay đổi ra sao, nhưng với những hành động mang tính kịp thời, quyết liệt mà ngành chức năng, địa phương thể hiện trong thời gian qua, thiết nghĩ hoạt động phân lô, tách thửa, môi giới, giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ dần giảm nhiệt.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, một nhà đầu tư bất động sản nhận định rằng, việc siết chặt các hoạt động phân lô, tách thửa và đưa hoạt động môi giới, giao dịch bất động sản vào khuôn khổ quy định của Nhà nước sẽ giúp giảm mạnh tình trạng sốt đất ảo trên thị trường. Ngoài ra, dựa vào những quy định mới ban hành, các nhà đầu tư dự án khu dân cư theo quy hoạch sử dụng đất phân khu 1/500 cũng sẽ nghiêm túc hơn trong việc thực hiện dự án; bảo đảm tuân thủ các điều kiện, quy định của ngành và địa phương trong hoạt động đăng ký dự án, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phân phối, bàn giao dự án… Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần tích cực vào những quy hoạch tổng thể của địa phương, của tỉnh và khu vực trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị văn minh, bền vững.

 Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Địa phương luôn sẵn lòng chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm dự án đàng hoàng, đúng quy định của pháp luật. Theo đó, đối với những dự án được đầu tư bài bản, quy mô và đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp của địa phương sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, tạo thuận lợi tối đa. Những chủ đầu tư, doanh nghiệp có ý định đến làm ăn theo kiểu “ăn xổi, ở thì” hoặc muốn trục lợi chính sách địa phương sẽ không chào đón và hạn chế cấp phép đầu tư. Có thể nhìn thấy, Bình Dương đang hết sức quan tâm và chú trọng đối với các hoạt động liên quan đến biến động đất đai và thị trường bất động sản. Điều này phản ánh một cách cụ thể tầm nhìn chiến lược và quy hoạch đô thị thông minh, đồng bộ, phát triển bền vững mà tỉnh đang hướng tới.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=796
Quay lên trên