Sự lạnh lùng vẫn tồn tại giữa hai nguyên thủ Nga-Đức

Cập nhật: 15-05-2017 | 15:57:10

Kể từ năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel không đặt chân đến Nga và bà không có ý định quay lại nếu cuộc xung đột tại miền đông Ukraine chưa chấm dứt. Thế nhưng, ngày 2-5, Thủ tướng Đức đã gặp Tổng thống Nga tại thành phố Sochi, bên bờ biển Đen. Điều gì thúc đẩy bà Merkel quay trở lại Nga?

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014, lãnh đạo các nước thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) gần như tẩy chay đến thăm Nga và gặp ông Putin kể cả trong các dịp hội nghị quốc tế ngoài lãnh thổ nước Nga. Trong số các nước thành viên EU chỉ có vài nước còn duy trì quan hệ chính trị với Nga.

Vì thế, chuyến thăm Nga bất ngờ của bà Merkel bị đặt nhiều dấu hỏi. Các chuyên gia phân tích không ngần ngại đưa ra những lý do thực sự khiến bà Merkel tới thăm Nga và gặp Tổng thống Putin vào thời điểm này.

Thứ nhất, theo phía Đức, việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Hambourg là nguyên nhân chính của cuộc gặp này. Thứ hai, thực ra bà Merkel hiện có nhu cầu dùng vai trò bên ngoài nước Đức phục vụ cho vận động tranh cử trong nước với kỳ vọng đắc cử lần thứ 4, khai thác triệt để hình ảnh “người xử lý khủng hoảng” của châu lục và thế giới, đặc biệt là thể hiện vai trò chủ tịch rất thành công của Nhóm G20, vì thế cần thiện chí và sự hợp tác xây dựng của Nga.

Chuyến công du Nga gần đây nhất của bà Merkel là vào năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Đồng minh trước phát-xít Đức. Nhưng Thủ tướng Đức hôm ấy không dự khán cuộc diễu binh trên quảng trường Đỏ và còn nói rất thẳng về Crimea, cho đây là “một vụ sáp nhập đáng lên án và bất hợp pháp”.

Chuyến công du lần này của bà Merkel diễn ra trong lúc quan hệ giữa phương Tây và Nga vẫn tiếp tục căng thẳng. Thực lòng mà nói, trong số các lãnh đạo châu Âu, bà Merkel vẫn là người đối thoại dễ chịu nhất với Tổng thống Putin. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin đã kêu gọi “bình thường hóa” quan hệ Nga-Đức.


Tổng thống Nga Putin đón Thủ tướng Đức Merkel tại Sochi hôm 2-5.

Nhưng nói Nga không cần Đức thì thật không công bằng. Nga cũng rất cần Đức vào lúc này để phân hóa nội bộ EU và NATO cũng như thúc ép Mỹ và EU chấm dứt những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính mà không bị mất đi những gì đã giành được từ chuyện chính biến xảy ra ở Ukraine.

Toan tính bên trong của hai bên là thế nhưng không khí của buổi gặp mặt có vẻ nặng nề. Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ những bất đồng căn bản trên các hồ sơ quốc tế lớn như Ukraine và Syria, bên cạnh nhiều chủ đề bất đồng khác đều được cả hai bên đề cập: cuộc chiến chống khủng bố, bầu cử Tổng thống Mỹ và vấn đề nhân quyền...

Làng báo Pháp nói chung đều nhận định rằng không khí cuộc gặp này “nặng như chì”. Tờ nhật báo Libération viết: “Cuộc hội ngộ u ám giữa Putin và Merkel tại Sochi”. Với Les Echos, “Merkel và Putin ý thức được các mối bất đồng của nhau”. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo muốn duy trì “thỏa thuận Normandie” để giải quyết khủng hoảng Ukraine sau các kỳ bầu cử tại Pháp.

Còn trên trang nhất của Le Figaro là hàng tựa: “Sự lạnh lùng vẫn tồn tại giữa Merkel và Putin tại Sochi”. Le Figaro cho rằng, đến gặp Tổng thống Nga trong khuôn khổ chuẩn bị thượng đỉnh G20 mà Đức là nước chủ nhà là một cử chỉ nhỏ của bà Merkel với ông Putin.

Bất đồng lớn nhất giữa Berlin và Nga là trên hồ sơ khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Putin thì khẳng định phong trào thân châu Âu dẫn đến việc lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Ianoukovitch là một cuộc đảo chính. Trong khi Thủ tướng Đức đánh giá chính quyền hiện nay ở Ukraine được thiết lập “theo cách dân chủ”.

Theo ông Putin, không thể giải quyết xung đột Ukraine mà không đàm phán trực tiếp giữa Kiev và phe nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine. Bà Merkel là người kiên quyết ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu nhắm vào Moskva sau vụ sáp nhập Crimea.

Lý giải cho sự cứng rắn trong lập trường của bà Merkel, Giám đốc chương trình của Diễn đàn khoa học chính trị Nga-Đức Aleksandr Rahr cho rằng, trong những tháng gần đây bà Merkel thường nói Nga phải chịu trách nhiệm về hòa bình ở Đông Ukraine.

Theo ông Rahr, điều này có nghĩa là Nga phải ngừng hỗ trợ "phe ly khai" và rút các cố vấn quân sự của mình ra khỏi Đông Ukraine, hoặc Nga phải thế này, phải thế nọ... Ông Rahr cho rằng trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, bà Merkel chắc chắn không muốn bị cử tri Đức coi là kẻ thất bại trong chính sách ngoại giao.

“Bà ấy tin tưởng vào người dân, và bây giờ ở Nga bà sẽ phải tìm hiểu những gì có thể thực hiện để đảm bảo rằng quá trình này vẫn tiếp tục” - ông Rahr nhận định. Tuy nhiên, việc bà Merkel làm với Nga chưa chắc được cử tri Đức đồng tình hoàn toàn.

“Các chính trị gia Đức, ngược lại với các chính trị gia châu Âu khác, họ nói rõ rằng không thể xây dựng một châu Âu mà không có Nga, hoặc đối lập với Nga. Đức có một chương trình nghị sự toàn cầu, tuy Đức đang suy nghĩ như châu Âu và hành động như châu Âu. Dù sao, cử tri Đức muốn biết về chính sách đối ngoại toàn cầu của nước mình, về trật tự thế giới mới và những mâu thuẫn đang tồn tại trên thế giới” - ông Rahr nói thêm.

Theo nhật báo Kommersant của Nga, cuộc tiếp xúc giữa bà Merkel và ông Putin tuy diễn ra bên bờ Biển Đen, nhưng không có nghĩa là quan hệ song phương đã tan băng. Tuy vậy tờ báo cũng tin rằng Đức đã có chuyển biến: Berlin ý thức rằng việc trừng phạt không tác động được phía Nga, và định thay thế cây gậy bằng củ cà rốt, tức bình thường hóa quan hệ.

Nhưng tờ báo cũng đưa ra một kết luận bỏ lửng là không ai dự đoán rằng qua chuyến thăm của bà Merkel tới Nga, quan hệ Berlin-Moskva sẽ được tái khởi động. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4074
Quay lên trên