Sau hơn 2 tháng “ngao du sơn thủy” khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu xuất hiện trở lại trước công chúng bằng một động thái gây chú ý: nhận lời tham gia phát biểu tại một hội nghị về chăm sóc sức khỏe do Công ty Cantor Fitzgerald tổ chức.
Dư luận xung quanh cuộc tái xuất này không phải vì số tiền thù lao 400.000 USD, mà chính là vì ông phát biểu với cử tọa là các doanh nghiệp ở kinh đô tài chính Wall Street và nhận tiền thù lao từ Wall Street.
Câu chuyện về mối quan hệ giữa Obama, và đảng Dân chủ, với Wall Street một lần nữa lại được mang ra soi xét. Người ta nhớ lại rằng, trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama dường như dành cho Wall Street nhiều biệt đãi hơn những khu vực khác. Chẳng hạn, trong vụ sụp đổ tín dụng cầm cố năm 2008, giới tài phiệt Wall Street đã “ăn” đậm bằng những thủ đoạn gian lận, trốn thuế, nhưng không ai bị truy tố cả.
Cựu Tổng thống Barack Obama
Trong một số vụ việc, thậm chí khi các ngân hàng lớn đã nhận tội, nhưng Bộ Tư pháp của chính phủ Obama cũng không truy tố đến cùng, để cho những kẻ phạm tội ung dung “hạ cánh an toàn”. Vào đầu nhiệm kỳ, Obama đã cam kết chi 100 tỉ USD để giúp các gia đình tránh khỏi bị tịch biên tài sản thế nợ. Thế nhưng sau đó, không biết vì lý do gì, chính quyền Obama đã chuyển hướng sử dụng số tiền 100 tỉ USD đó vào một “quỹ đen” của các ngân hàng lớn.
Khi đánh giá lại những chính sách điều hành của ông Obama, giới phân tích bây giờ mới nhận ra rằng, các chính sách của ông là quá thân thiện với ngành tài chính mà không có sách lược cải tổ triệt để nhằm dẹp bớt những trò gian lận, do đó đã làm chậm lại tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ và tạo ra một trào lưu mới ủng hộ ông Donald Trump, giúp ông Trump dễ dàng giành chiến thắng.
Tờ New York Times đã thống kê rằng, gần 25% người thuộc tầng lớp lao động từng ủng hộ ông Obama năm 2012 đã quay sang bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016. Tờ báo này đặt câu hỏi: Phải chăng sự thất bại trong chính sách điều hành của ông Obama đã góp phần làm cho Trump được lợi thế hơn?
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, Obama từng nói muốn mọi người nhớ đến ông như một vị tổng thống cải cách. Nhưng những biệt đãi của ông đối với Wall Street làm cho người ta mất niềm tin vào tính chân thực trong cam kết của ông. Ông Obama cũng từng nói rằng “bất công về kinh tế là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”, nhưng sự giàu có của giới chính trị nhờ biết dựa vào mối quan hệ với những ông chủ lớn ở Wall Street đã làm cho sự bất công đó ngày càng trầm trọng.
Vợ chồng ông Obama nhận 65 triệu USD cho 2 quyển hồi ký của họ
Người ta đánh giá, luật cải cách Wall Street năm 2010 có lẽ đã khác đi nhiều nếu ông Obama không nhận hàng đống tiền tài trợ chiến dịch tranh cử từ khu vực tài chính. Nếu không nhận được sự hào phóng đó của giới tài phiệt, có lẽ một số ngân hàng đã bị ông Obama cho đóng cửa theo luật cải cách tài chính. Các quy định về tài chính tranh cử sẽ không còn cần thiết nữa nếu các lãnh đạo chính trị Mỹ không để bị ảnh hưởng bởi đồng tiền tài trợ.
Bài phát biểu tại Công ty Cantor Fitzgerald mới chỉ là khởi đầu cho một giai đoạn mới của ông Obama, cũng giống như bao chính khách khác khi rời nhiệm sở. Chẳng hạn, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong quá trình vận động tranh cử suốt năm 2016, đã nhận hàng triệu USD tiền thù lao nói chuyện tại các tổ chức tài chính lớn. Những bài nói chuyện này từng là đề tài để đối thủ tranh cử công kích bà.
Nói chung, giá trị các cuộc nói chuyện và những quyển hồi ký của vợ chồng Hillary và Bill Clinton trị giá đến 100 triệu USD vào thời điểm cách đây vài năm. Đối với xã hội giàu có ở Washington, vài triệu USD không là gì cả. Nhưng đồng tiền là công cụ gây ảnh hưởng, là phương tiện để tạo dựng và duy trì thế lực, vì thế 100 triệu USD là cả một khối “quyền lực” đáng lưu tâm.
Trong tay ông Obama giờ đây không còn quyền lực “cứng” như lúc đương thời mà là một thứ quyền lực “mềm” sẽ được ông triển khai qua những bài phát biểu, nói chuyện tại các hội nghị, các doanh nghiệp giàu có, hay tại những quốc gia nghèo, đang phát triển cần những ý tưởng khơi gợi từ ông. Và biết đâu chừng, giá trị của những bài nói chuyện, và cả hồi ký, của ông Obama - và vợ ông nữa - có thể sẽ còn cao hơn vợ chồng Clinton.
Mặc dù có một số thất bại trong chính sách tài chính, nhưng ông Obama đã làm được nhiều thứ khác khiến nhiều người khâm phục ông. Đó là lý do vì sao những bài phát biểu, nói chuyện và những quyển hồi ký của vợ chồng Obama lại có sức hút mạnh mẽ đến vậy. Sự hấp dẫn của một chính khách đã đạt đến đỉnh cao quyền lực cũng mang lại lợi ích về tiền bạc, như đã có từ trước đến nay.
Và có lẽ ông Obama cũng chẳng cần đến số tiền thù lao 400.000 USD của Cantor Fitzgerald vì số tiền ông nhận được từ những nguồn khác còn hơn thế rất nhiều. Ngay lúc này đây, số tiền mà vợ chồng ông Obama nhận được từ Nhà xuất bản Penguin Random House cho 2 quyển hồi ký của họ đã là 65 triệu USD.
Obama nổi tiếng là người viết văn giỏi, từng là nhà văn trước khi vào Nhà Trắng và đã từng có 2 quyển sách thuộc hàng bán chạy nhất. Đó là chưa kể vợ chồng, con cái ông sẽ sống dư giả, thoải mái với số lương hưu 200.000 USD/năm.
Theo CAND