Một vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp hiện nay quan tâm đó là tái cơ cấu. Hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh đang trong giai đoạn cạnh tranh rất gay gắt; rổ hàng xuất khẩu của Bình Dương không có sự khác biệt nếu so sánh với các nước trong khu vực. Cần nói thêm, chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương hiện đang tiệm cận với các nước phát triển ở Đông Nam Á. Để hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận, các doanh nghiệp buộc phải tính toán tới việc nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tối đa chi phí. Chính vì thế, việc tái cấu trúc, tái cơ cấu doanh nghiệp buộc các doanh nghiệp phải thực hiện quyết liệt.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, đa số các doanh nghiệp trong nước hiện nay đều nghĩ mọi hoạt động của mình đều đã ổn, nên sợ sự thay đổi làm xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, tái cơ cấu nhân sự sẽ làm dôi dư số lao động; doanh nghiệp không thể cho người lao động nghỉ ngang vì sợ thiếu nhân lực khi đơn hàng tăng đột ngột.
Thực tế cho thấy, guồng máy tổ chức, dây chuyền sản xuất nếu các doanh nghiệp chịu khó tìm tòi, rà soát sẽ phát hiện nhiều điểm yếu trong việc điều hành, sản xuất, kinh doanh của từng phòng, ban của doanh nghiệp. Sự quyết liệt trong tái cơ cấu bộ máy tổ chức hoạt động của công ty là điều các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên làm. Tuy nhiên, cần phải phát hiện chuẩn xác những thiếu sót trong bộ máy tổ chức của doanh nghiệp mình, để từ đó có những điều chỉnh hợp lý làm tăng năng suất, chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ tái cơ cấu là cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chú trọng nhiều hơn đến việc tái cơ cấu, điều chỉnh lại bộ máy hoạt động của mình, trong khi doanh nghiệp trong nước còn khá thờ ơ trước việc rà soát, điều chỉnh lại bộ máy nhân sự.
Cần nói thêm, việc tái cơ cấu doanh nghiệp có khi không mang lại kết quả tốt, chẳng hạn một nhân công tay nghề cao chưa chắc có khả năng làm lãnh đạo. Chính vì thế, nếu việc tái cơ cấu nhân sự không tốt sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mất đi một công nhân giỏi tay nghề nhưng lại thêm một lãnh đạo tồi, làm suy giảm nguồn nội lực đáng kể của doanh nghiệp. Do vậy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp là cần thiết, nhưng tái cơ cấu chính xác, hiệu quả còn phụ thuộc vào tài sử dụng người của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
HOÀNG PHONG