Tài tử cải lương - sức quyến rũ diệu kỳ - Kỳ 1

Cập nhật: 13-06-2014 | 00:00:00

Kỳ 1: Cải lương bắt nguồn từ nghệ thuật đờn ca tài tử

Giữa trung tâm của những nền văn hóa Âu - Tây rực rỡ như New York, Paris, giai điệu ngọt ngào mà sâu lắng của cải lương Việt Nam vẫn âm thầm lan tỏa, trở thành sợi dây gắn kết những người con đất Việt với nguồn cội, quê hương. Thậm chí, có không ít “ông Tây bà đầm” đến từ những nền văn hóa khác nhau vẫn không thể kìm lòng trước giai điệu mượt mà, sâu lắng được kết tinh từ tâm hồn, cốt cách của những lưu dân đất Việt. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến cái nôi sản sinh ra loại hình nghệ thuật độc đáo này để được đắm mình trong những khúc hát mà mình từng say mê, ngưỡng mộ. Với những ai đã từng gắn bó với những bước thăng trầm của cải lương hoặc đã từng nghe, từng xem một vở diễn, thậm chí một trích đoạn cải lương nổi tiếng thì cũng có thể lý giải vì sao loại hình ca kịch phương Nam non trẻ từng thống lĩnh khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh suốt nhiều thập niên này lại có sức lôi cuốn mãnh liệt đến thế?

Nói đến sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương phải nói đến cội nguồn của dòng âm nhạc phương Nam - nhạc tài tử Nam bộ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cái gốc của cải lương là sân khấu sàn diễn và linh hồn của cải lương là âm nhạc, bởi loại hình ca - kịch thì vai trò của âm nhạc là chủ đạo. Lịch sử đã chứng minh, cái gốc của âm nhạc cải lương xuất phát từ dòng âm nhạc tài tử Nam bộ được hình thành trong hành trình khai phá vùng đất phương Nam của lớp cư dân cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Trên vùng đất mới, các nghệ nhân nhạc lễ, ngoài nhiệm vụ biểu diễn phục vụ đình đám, lễ hội… còn lấy nhạc lễ để làm vui, đờn chơi và truyền dạy cho những người có năng khiếu trong lúc nông nhàn. Từ lao động phát sinh ra sáng tạo, các nghệ nhân đã kết hợp âm điệu nhạc lễ với ca dao, hò, lý… của các dân tộc quần tụ trên vùng đất mới để sáng chế ra dòng âm nhạc tài tử trên cơ sở thang âm ngũ cung của nhạc lễ…

Nam kỳ - Saigon - Ban nhạc tài tử - carte postale

Là một hình thức âm nhạc thính phòng, buổi đầu ca nhạc tài tử chủ yếu là đờn ca để nghe là chính chứ không phải để xem. Dần dần sự hấp dẫn của nó đã chinh phục người mộ điệu. Nhiều người không có khả năng đờn ca nhưng lại rất say mê loại hình nghệ thuật này nên thường tìm đến những buổi biểu diễn đờn ca tài tử để xem các nghệ nhân biểu diễn. Chính vìvậy, ở các cuộc vui, hội hè, đình đám… đâu đâu cũng cónhững ban ca nhạc tài tử đến biểu diễn phục vụ. Cứ thế, dòng âm nhạc chính thống Nam bộ vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học đầy chất triết lý đạo học phương Đông này dần phát triển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nam bộ.

Từhình thức sinh hoạt đờn ca tài tử thuần túy, trong hành trình sáng tạo, các nghệ nhân dân gian dần tìm đến những bài bản dài hơi có tích truyện. Điều này đã làm nảy sinh cách diễn xướng mang tính trò diễn sơ khai thể hiện tính cách nhân vật theo cốt truyện gọi là hình thức ca ra bộ. Khi các tích tuồng có nhân vật và những lớp đối thoại thì ca ra bộ không chỉ xuất hiện trong những lễ hội, tiệc tùng của giới bình dân mà còn là thú vui tao nhã trên các sân khấu sân vườn, sàn gỗ hay những bộ ván gỗ trong những gia đình khá giả mê đờn ca. Cùng với thời gian, sự liên kết các trò diễn xướng ca ra bộ ngày càng chuyên nghiệp, dần dần phát triển thành những kịch bản được diễn xuất trên sân khấu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.

Rạp hát cải lương xưa

Được nuôi dưỡng từ nguồn sữa mẹ ngọt ngào là những bài hát lý và ca nhạc tài tử Nam bộ, sau những bước chập chững đầu đời, nghệ thuật cải lương non trẻ đã bước sang một bước ngoặt lịch sử mới với sự ra đời của bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Được xem là cha đẻ của bản vọng cổ, “Dạ cổ hoài lang” không chỉ là nỗi niềm riêng của người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu mà còn chất chứa nhiều nỗi buồn vui và hy vọng của những người con phương Nam những năm đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, sau khi ra đời, “Dạ cổ hoài lang” nhanh chóng được người mộ điệu đón nhận nồng nhiệt, trở thành bài ca chính thống, mang lại sức sống mới cho sàn diễn. Từ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 đến nhịp 32; từ dây đàn Rạch Giá, dây Sài Gòn đến dây lai tổng hợp, bản “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu phát triển thành bản vọng cổ- một bài bản quan trọng nhất trong đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nghĩa của cải lương là đổi mới, cải cách làm đẹp. Do đó, sân khấu cải lương cũng có ý nghĩa là sự cách tân về sân khấu. Chính vì vậy, ngay từbuổi bình minh của nó, các nghệ sĩ tiên phong của loại hình nghệ thuật độc đáo này đã ý thức xây dựng hai câu liễng đối như một khẩu hiệu cho sự cách tân, đổi mới sân khấu: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sách văn minh”.

Lần theo dấu vết thời gian, qua các nguồn tư liệu, ghi nhận của nghệ sĩ, tác giả lão thành, các ban hát cải lương dần hiện lên trong quá khứ hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Vùng đất Mỹ Tho - Tiền Giang được xem là cái nôi của cải lương Nam bộ. Tại rạp hát thầy Năm Tú (nay là nhà hát Tiền Giang), ngày 15-3-1918, gánh hát thầy Năm Tú đã khai trương bảng hiệu gánh hát thầy Năm Tú Mỹ Tho và cho ra mắt vở diễn đầu tiên của loại hình ca kịch truyền thống Nam bộ. Để chuẩn bị cho sự kiện này, bầu Năm Tú đã thuê họa sĩ vẽ cảnh trí, sơn thủy, may màn nhung, mua thêm nhạc cụ phương Tây và mời nhà văn nổi tiếng tài hoa lúc bấy giờ là Trương Duy Toản về viết và dàn dựng tuồng “Kim Vân Kiều”. Được phóng tác từ tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, cùng sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp với đầy đủ phương tiện kỹ thuật, thầy tuồng, thầy đờn và một lực lượng diễn viên hùng hậu lúc bấy giờ như: Ba Đắc, Tám Danh, Hai Cúc, Năm Thoàn, Ba Du…, “Kim Vân Kiều”, vở diễn đầu tiên của loại hình ca kịch truyền thống phương Nam vừa ra mắt đã gây được sựchú ý, trở thành một hiện tượng sân khấu bởi sự độc đáo mới lạ, được đông đảo người xem nồng nhiệt đón nhận…

Từ Mỹ Tho, dòng sông cải lương mang những hạt phù sa màu mỡ đã lan tỏa, bồi lắng cho cánh đồng nghệ thuật khắp Nam kỳ lục tỉnh. Hàng loạt gánh hát nối tiếp nhau ra đời, như Sĩ Đồng Ban (Long Xuyên), Kỳ Lân Ban (Vĩnh Long), Tân Phước Nam (Sóc Trăng)… Hình thành và phát triển trong điều kiện xã hội những năm đầu thế kỷ có nhiều biến động, cải lương chịu ảnh hưởng có tính chất quyết định của hai dòng sân khấu là sân khấu truyền thống tuồng, chèo của Việt Nam và sân khấu kịch Pháp. Kế thừa nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương được cấu trúc kịch bản theo kiểu tự sự, mở, thoáng; trang trí biểu diễn theo phong cách ước lệ, tượng trưng, tạo điều kiện cho diễn viên phát huy tối đa các hình thức biểu diễn. Tiếp nhận sân khấu kịch hiện đại phương Tây, cải lương lại được cấu trúc kịch bản khép chặt theo kiểu A-ri-tot; trang trí, biểu diễn theo phong cách tả thực; diễn viên có thể đi sâu vào khai thác nội tâm nhân vật phù hợp với các vai diễn trong hệ thống hình tượng chung để nêu bật chủ đề tác phẩm. Do đó, ngay khi ra đời, cải lương có hai kiểu vở diễn khác nhau nhưng lại có chung một nguồn âm nhạc. Các bài bản của âm nhạc cải lương đậm chất dân tộc, thể hiện tâm trạng nhân vật với tất cả những cung bậc cảm xúc khác nhau, tạo điều kiện cho diễn viên ca kết hợp với diễn xuất. Sự giao thoa này đã làm cho nghệ thuật ca kịch cải lương không bạo liệt như tuồng, không trào lộng như chèo mà bình dân, hiện thực, trữ tình hơn. Chính sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, sự chắt lọc những giá trị tinh thần kim - cổ đã làm cho sân khấu cải lương có bước phát triển vượt bậc. Hàng loạt gánh hát liên tiếp ra đời. Mỗi gánh hát có một thế mạnh riêng với đội ngũ soạn giả và diễn viên chuyên nghiệp. Đây cũng là thời kỳ rực rỡ của lớp diễn viên tiền phong, như Phùng Há, Tám Danh, Bảy Nam, Năm Phỉ… mà tên tuổi của họ gắn liền với những vai diễn đỉnh cao, ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức khán giả cho đến tận hôm nay.

Kỳ 2: Sức sống cải lương Nam bộ

NGUYỄN THANH TUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=662
Quay lên trên