Cận Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường hàng hóa sôi động nên tội phạm buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng nổi lên trong dịp này. Vì vậy, các ngành chức năng đã tăng cường xử lý vi phạm. Song song đó, người tiêu dùng cũng nên cẩn thận để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng…
Lực lượng chức năng phát hiện một kho hàng không rõ nguồn gốc tại TP.Dĩ An. Ảnh: THANH QUANG
Quyết liệt phòng, chống hàng giả
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia (BCĐ về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), trong năm qua các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 185.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 25.000 tỷ đồng (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 2.543 vụ án, với hơn 3.502 đối tượng. Đặc biệt, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trong khi đó, theo báo cáo của BCĐ 389/BD, Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi để trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để tiêu thụ, các đối tượng buôn lậu đã dựa vào điều kiện này để hoạt động. Vì vậy, cơ quan chức năng phải xây dựng cơ sở, phối hợp tốt giữa các ngành, làm tốt công tác trinh sát, đeo bám địa bàn mới phát hiện được các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có quy mô lớn. Trong năm 2020, Công an huyện Dầu Tiếng đã phát hiện bắt giữ và khởi tố 3 đối tượng vận chuyển 15.300 bao thuốc lá nhập lậu từ Campuchia qua địa bàn huyện Dầu Tiếng vào TP.Hồ Chí Minh; Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đã phát hiện cơ sở tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu ở TX.Tân Uyên và TP.Thuận An với số lượng lên đến hàng ngàn bao.
Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến tổng kết năm 2020 và đề ra phương hướng trong năm 2021 của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, các cơ quan là thành viên của hai BCĐ trên phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phòng chống tội phạm, gian lận thương mại, không để hình thành các điểm nóng khiến người dân bức xúc. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành xác định công tác này là quan trọng, vì vậy phải làm tốt công tác phòng ngừa, điều tra cơ bản; đặc biệt là chú trọng kiểm tra, thanh tra lực lượng phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, không để phát sinh tiêu cực trong nội bộ lực lượng này; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề mua bán hàng gian, hàng giả trên mạng. |
Song song đó, qua quá trình nắm tình hình, Cục QLTT tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 2 vụ sản xuất, phân loại, tái chế găng tay đã qua sử dụng, đồ bảo hộ, rác thải y tế… với hơn 57 tấn thành phẩm. Một vụ đã xử phạt 92,5 triệu đồng; một vụ chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cũng đã phát hiện 825 vụ vi phạm, xử lý hàng hóa trị giá trên 99 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh phát hiện và xử lý 3.945 vụ, số tiền truy thu hơn 372 tỷ đồng. Cục Hải quan tỉnh phát hiện và xử lý 1.796 vụ, số tiền truy thu hơn 92 tỷ đồng. Cục QLTT kiểm tra 873 vụ, hàng hóa bị tịch thu hơn 2 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá ước hơn 4 tỷ đồng....
Cẩn thận trước hàng gian, hàng giả
Nói về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Tân Sửu 2021, ông Lê Hữu Thọ, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (TP.Thủ Dầu Một), cho biết Cục QLTT tỉnh vừa có cuộc họp chỉ đạo, đôn đốc công tác này với các đội. Ông Thọ cho biết đây là công tác thường xuyên nhưng những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng tăng cường hơn trong việc nắm thông tin, kiểm tra, xử các vụ việc vi phạm.
Gần đây nhất, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra, xử lý 18 vụ vi phạm. Trong đó vi phạm về đăng ký giấy phép kinh doanh, nhãn hàng, nhập lậu là các loại vi phạm nhiều nhất. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trong 18 vụ trên là hơn 82 triệu đồng, giá trị hàng hóa vi phạm nhãn mác gần 59 triệu đồng và giá trị hàng hóa tịch thu gần 68 triệu đồng.
Cũng theo ông Thọ, hình thức kinh doanh online, mua bán hàng qua mạng cũng gây khó khăn nhất định cho ngành chức năng. Việc kiểm tra và xử lý kho hàng hóa rất khó vì phần lớn người mua bán trao đổi trực tiếp trên mạng. Kho hàng để ở nhà, việc khám xét nhà cần có sự phối hợp của công an mới kiểm tra được. Trong thời gian tới, lãnh đạo BCĐ 389/BD đề nghị các sở, ban, ngành chủ động phối hợp kịp thời trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, chủ sở hữu các nhãn hiệu bị làm hàng giả cần được nâng cao hơn nữa, chủ động cung cấp nhiều nguồn tin để giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng buôn lậu, gian lận thượng mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh.
QUỲNH NHƯ - T.PHƯƠNG