Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.396 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng, lưu giữ hóa chất, chủ yếu là các ngành nghề kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng; sản xuất nhựa, sơn, keo, mực in; chế biến gỗ, sơn gỗ; kinh doanh hóa chất… Qua khảo sát, điều tra thực tế của ngành chức năng cho thấy có 82 cơ sở hóa chất có nguy cơ cao xảy ra sự cố hóa chất.
Lực lượng chữa cháy đang nỗ lực dập lửa tại Công ty TNHH Sakata do hóa chất tạo ra. Ảnh: TIỂU MY
Nhiều doanh nghiệp thực hiện quy định chưa tốt
Hóa chất đóng góp quan trọng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, song nếu không được quản lý, bảo quản và sử dụng đúng cách, đúng mục đích sẽ gây độc hại cho sức khỏe, tác động xấu đến môi trường sống, phát triển kinh tế - xã hội… Tuy vậy, hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng, quản lý tốt hóa chất.
Theo thông tin từ Sở Công thương, hiện vẫn có không ít tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hóa chất chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động hóa chất, chưa ý thức được sự nguy hại của hóa chất với bản thân, cộng đồng và môi trường xung quanh. Đặc biệt, vẫn còn một số cơ sở đáp ứng chưa đầy đủ các yêu cầu về lưu trữ an toàn hóa chất… Việc bố trí các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng hóa chất trên địa bàn cũng còn không ít bất cập, cụ thể vẫn còn một số doanh nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư hoặc gần nguồn nước… Điển hình như vụ cháy tại Công ty TNHH Sakata (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An) do hóa chất Nitrocellulose gây ra, thiêu rụi nhà xưởng rộng khoảng hơn 1.000m2 xảy ra cách đây vài năm. Gần đây nhất là vụ cháy kho chứa sơn và hóa chất tại kho chứa của Công ty TNHH Vân Trúc (TX. Thuận An)...
Siết chặt quản lý
Theo quy định của Luật Hóa chất (năm 2007) thì trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn hóa chất và phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh thuộc về Sở Công thương. Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua ngành công thương của tỉnh đã phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản và sử dụng hóa chất của các tổ chức, doanh nghiệp, đưa hoạt động hóa chất đi vào khuôn khổ, nề nếp. Bên cạnh đó, ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu để phân luồng những cơ sở sử dụng hóa chất theo nhóm ngành nghề và đã đánh giá hơn 1.000 doanh nghiệp sử dụng hóa chất nhiều và thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2016, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh...
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện an toàn hóa chất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn trước hết là do nhu cầu doanh nghiệp sử dụng hóa chất công nghiệp nguy hiểm trên địa bàn tỉnh lớn và ngày càng tăng, trong khi nhân sự có chuyên môn để quản lý nhà nước về hóa chất công nghiệp nguy hiểm còn rất mỏng (Sở Công thương chỉ có 2 chuyên viên phụ trách công tác này; còn các ngành có liên quan, các địa phương chưa có cán bộ chuyên môn về hóa chất). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng hóa chất còn lơ là, chủ quan, thực hiện các quy định về an toàn hóa chất công nghiệp nguy hiểm trong quá trình hoạt động còn mang tính đối phó...
Ông Phan Hồng Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật về hóa chất, ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hóa chất; xây dựng bản đồ ArcGIS để quản lý các doanh nghiệp theo từng ngành nghề hoạt động hóa chất; cùng với đó xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp, người lao động quan tâm và thực hiện tốt vấn đề an toàn hóa chất trong sản xuất, nhằm bảo đảm sự an toàn cho con người, tài sản và môi trường xung quanh.
TIỂU MY