Sáng qua (28-12), UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông sản và trái cây tỉnh Bình Dương năm 2018. Tham dự hội nghị có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, chủ trang trại, hợp tác xã trong tỉnh, các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tham quan một gian hàng nông sản của Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY
Hội nghị có quy mô 80 gian hàng và 150 doanh nghiệp tham gia nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu sản phẩm để liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường, tăng cường giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm. Tại hội nghị, nhiều bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp chế biến thu mua trong và ngoài nước đã được ký kết.
Ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu
Thời gian qua, nền nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển đáng khích lệ. Dù ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (năm 2018 cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp-thuế nhập khẩu với tỷ trọng tương ứng là 63,87% - 23,94%- 3,08% - 9,11%) nhưng nông nghiệp vẫn rất được tỉnh quan tâm phát triển.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương là tỉnh có điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu, chế độ thủy văn, nguồn nước... thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 133.997,8 ha cao su, sản lượng gần 191.000 tấn/năm, đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Phước); cây ăn quả có múi 3.415 ha, sản lượng 36.158 tấn/năm; rau đậu các loại 5.339,4 ha, sản lượng 80.000 tấn; hoa, cây cảnh và sản phẩm nông nghiệp đô thị 270 ha… Vùng chuyên canh cây măng cụt và các loại cây ăn quả đặc sản khác trên địa bàn tỉnh (dâu, bòn bon, mít tố nữ...) được phân bố ven sông Sài Gòn thuộc TX.Thuận An, TX.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng đã tạo ra giá trị kinh tế cao.
Riêng TX.Tân Uyên còn nổi tiếng với vùng rau Cù lao Thạnh Hội với các loại rau, củ, quả phong phú trồng 4 - 5 vụ/ năm cho năng suất cao. Nhiều hộ gia đình ở TX.Tân Uyên còn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.
Đối với ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Hiện toàn tỉnh có 119 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 6,26 triệu con; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 140 trang trại với tổng đàn gần 412.000 con; chăn nuôi vịt thịt có 9 trang trại với tổng đàn 139.000 con; chăn nuôi bò sữa có 1 trang trại với tổng đàn 800 con. Các trang trại chăn nuôi công nghệ cao đều có hợp đồng tiêu thụ với các công ty lớn nên đầu ra sản phẩm, giá cả ổn định.
Hiện nay, toàn tỉnh có 95 trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp chứng nhận VietGAP, trong đó lĩnh vực trồng trọt có 62 cơ sở, lĩnh vực chăn nuôi 33 cơ sở. Trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại sản xuất đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, như Công ty Vinamit, Công ty TNHH Đức Tiến…
Tìm đầu ra bền vững cho nông sản
Phát biểu tại Hội nghị cung cầu nông sản, trái cây của tỉnh Bình Dương năm 2018, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định quy mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn trái và nông sản theo quy trình công nghệ cao của tỉnh đã có những bước phát triển rất khả quan. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các loại cây này vẫn còn gặp những vấn đề chung của cả nước, đó là: Thị trường tiêu thụ chưa ổn định; các sản phẩm có thương hiệu chưa nhiều, chưa có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh còn hạn chế; việc triển khai mô hình hợp tác xã sản xuất tập trung còn ít, chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết với hộ dân trồng trái cây. Khó khăn nữa là việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong tỉnh còn lỏng lẻo, tình trạng “được mùa, mất giá” hay bị thương lái ép giá ngay cả khi mất mùa vẫn là một nỗi lo đối với người nông dân…
Ông Mai Hùng Dũng kỳ vọng, tới đây các mặt hàng nông sản và trái cây của Bình Dương sẽ tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, làm cơ sở để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững. Cùng với đó, các cấp, các ngành liên quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sẽ đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt là xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hướng đến một nền nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khâu tiêu thụ sản phẩm luôn là một khâu quan trọng quyết định kết quả, hiệu quả và quá trình tổ chức sản xuất. Để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh đạt kết quả và hiệu quả cao, ngành nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành, địa phương. Có được sự hỗ trợ tích cực này, các chương trình, kế hoạch, dự án liên quan sẽ được triển khai đồng bộ, từ đó tạo được chủ động cho các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.
Từ năm 2011, Bình Dương đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao và nhiều trang trại sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 3.415,4 ha trồng cây có múi và cây ăn quả chủ lực.
TIỂU MY