Tăng cường phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Cập nhật: 26-09-2015 | 08:16:36

Đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, điện giật, súc vật cắn, ngộ độc thức ăn… là những tai nạn thương tích (TNTT) thường xảy ra với trẻ em (TE). Để phòng, chống TNTT cho trẻ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE.


Để hạn chế TNTT cho TE, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh cho trẻ.
Trong ảnh: Các em thiếu nhi đọc sách tại Nhà thiếu nhi tỉnh

Theo bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) hiện nay, TNTT là một trong những nguyên nhân chính gây tàn phế, làm mất khả năng sống tiềm tàng ở TE. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc TE và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các cấp, ngành và toàn xã hội. Vì vậy, các cấp, các ngành như LĐ-TB&XH, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, công an… đã ký Kế hoạch liên tịch và thực hiện “Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015” của Thủ tướng Chính phủ và “Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh giai đoạn 2014-2015”.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, kết quả cho thấy từ năm 2013 đến tháng 6-2015, toàn tỉnh có 6.507 trường hợp trẻ bị TNTT xảy ra (giảm 4.532 trường hợp so với giai đoạn 2010-2012). Bà Trúc giải thích, TE bị TNTT tại gia đình đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Nguyên nhân trước hết là do sự hiếu động, tò mò, nghịch ngợm của trẻ nhỏ. TE chưa nhận thức đầy đủ mối nguy hiểm tiềm ẩn ở xung quanh mình. Bên cạnh đó, sự lơ là, chủ quan, thiếu kiến thức của người lớn đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Về phía chính quyền địa phương, một số nơi chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo chăm lo bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE, chưa chủ động tập trung tìm giải pháp tác động kịp thời để giải quyết các vấn đề về TE.

Trước tình trạng đó, trong 3 năm (2013-2015), ngành LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống TNTT cho TE. Cụ thể, ngành đã tổ chức 300 buổi truyền thông về phòng chống TNTT cho TE tại các khu, ấp theo từng chuyên đề; cung cấp kịp thời các tài liệu, sản phẩm truyền thông như 180.000 tờ rơi, 2.100 cuốn tài liệu tập huấn tuyên truyền về phòng, chống TNTT và phòng, chống đuối nước cho TE... Nhấn mạnh vai trò của truyền thông, bà Đỗ Thị Hiệp, Phó phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An nói, truyền thông cộng đồng là một mô hình tác động trực tiếp tới mọi người dân, nhất là các bậc cha mẹ, người giám hộ TE nhằm tạo kỹ năng cho các gia đình và cộng đồng về phòng chống TNTT cho TE, xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ. Riêng TX.Dĩ An, trong thời gian qua cũng đã tổ chức khoảng 50 buổi tuyên truyền cho phụ huynh, cán bộ TE, các trường học về việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Do đó, số TE bị TNTT trên địa bàn cũng giảm theo từng năm.

Song song đó, để nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân cho trẻ, ngành LĐ- TB&XH đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho hơn 4.000 TE khó khăn; tập huấn cách phòng chống TNTT cho trẻ; đồng thời tổ chức Hội thi TE với phòng, chống TNTT cấp tỉnh và Hội thi bơi giỏi cho TE. Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, các hội thi được tổ chức trong không khí phấn khởi, vui tươi và gần gũi giữa các đội thi với mục đích là tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, thiết thực cho TE có dịp giao lưu để cùng tìm hiểu, trao đổi ý kiến và cùng chung sức trong việc thực hiện phòng chống TNTT cũng như rèn luyện sức khỏe. Qua hội thi đã thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tăng cường sự tham gia của TE vào các hoạt động của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc phòng chống tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ngành LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng nhiều mô hình an toàn cho trẻ, như Ngôi nhà an toàn cho TE tại 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; Trường học an toàn với 265/265 trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, đạt 100% đơn vị trường học đã triển khai thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống TNTT trong trường; Cộng đồng an toàn...

Để bảo vệ, chăm sóc giáo dục TE tốt hơn nữa, trong thời gian tới, về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần nhận thức và thay đổi môi trường nhằm phòng chống TNTT cho TE. “TNTT hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như phụ huynh hoặc người giữ trẻ luôn quan tâm, theo dõi hoạt động của trẻ; dạy cho trẻ kỹ năng nhận biết những mối nguy hiểm trong sinh hoạt, như không sờ vào ổ điện, tránh xa bếp lửa, nước sôi, cách lên xuống cầu thang an toàn. Đặc biệt lưu ý, khi thiết kế cầu thang trong nhà phải có tay vịn, có lan can bảo đảm an toàn. Bên cạnh tạo môi trường an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh và người trông giữ trẻ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu để có thể sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách nhằm hạn chế di chứng sau điều trị”, bà Trúc hướng dẫn thêm.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=701
Quay lên trên