Tăng cường phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, chứng thực, thừa phát lại

Cập nhật: 14-11-2020 | 09:00:08

Ngày 25-5-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Chỉ thị số 21). Chỉ thị đã nêu thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng và đưa ra các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh trật tự.

Trên cơ sở Chỉ thị số 21, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2726/BTP-BTTP ngày 28-7- 2020; UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 4152/ KH-UBND ngày 25-8-2020; Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 1718/STP-BTTP ngày 8-10- 2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 21. Theo đó:

- Đối với tổ chức hành nghề công chứng, Sở Tư pháp đề nghị trưởng các tổ chức hành nghề công chứng quán triệt nội dung của Chỉ thị số 21 đến toàn thể công chứng viên, chuyên viên, người lao động làm việc tại tổ chức mình; chủ động trang bị cơ sở vật chất phục vụ nghiệp vụ công chứng. Tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu”. Yêu cầu các công chứng viên, người lao động tại tổ chức hành nghề công chứng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Luật Công chứng và các quy định pháp luật có liên quan; có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc hành nghề, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định pháp luật. Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan công an khi phát hiện thông tin, tài liệu hoặc vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực công chứng, chứng thực theo quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

- Đối với Văn phòng Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phổ biến, quán triệt nội dung của Chỉ thị số 21 đến toàn thể thừa phát lại, chuyên viên, người lao động làm việc tại tổ chức mình. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến Thừa phát lại, đặc biệt, trong hoạt động lập vi bằng nhắc nhở Thừa phát lại lưu ý: Không lập vi bằng đối với các nội dung yêu cầu ghi nhận hành vi đặt cọc, giao nhận tiền để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức: Phân lô trái phép, đất không đủ cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay...

- Đối với Phòng Tư pháp các huyện, thị và thành phố, phổ biến nội dung của Chỉ thị số 21 và Kế hoạch 4152/KH-UBND đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị và UBND nhân dân các xã, phường, thị trấn tại địa phương. Thường xuyên nhắc nhở, quán triệt cán bộ, công chức làm công tác chứng thực lưu ý thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; cử người tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ chứng thực khi được mời. Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan công an khi phát hiện có thông tin, tài liệu hoặc vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực chứng thực theo quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh.

- Đối với Hội Công chứng viên tỉnh, chú trọng tổ chức tập huấn nghiệp vụ nhận dạng hồ sơ giấy tờ giả, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong phát hiện xử lý việc giả chủ thể, giả giấy tờ pháp lý trong hoạt động công chứng, chứng thực cho đội ngũ công chứng viên, nhân viên, người lao động đang làm việc tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, nắm bắt thông tin về việc công chứng hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, kịp thời phản ánh, báo cáo Sở Tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

SỞ TƯ PHÁP  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên