Tăng cường quản lý tín dụng vốn vay chính sách

Cập nhật: 26-02-2016 | 07:44:17

Trong những năm qua, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, các chương trình tín dụng, dòng vốn chính sách ưu đãi ở Bình Dương đã đến tận tay hàng ngàn hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc cho hộ nghèo vay vốn cũng đã nổi lên tình trạng chiếm dụng, xâm tiêu vốn... Nếu không triển khai nhanh các biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng này sẽ gây thất thoát tiền của Nhà nước.

 Nâng cao chất lượng giao dịch lưu động tại xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHCSXH tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ tín dụng NHCSXH giao dịch với khách hàng tại Phòng Giao dịch xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: THANH HỒNG

 Nợ quá hạn và xâm tiêu vốn có xu hướng tăng

Thời gian qua, không chỉ ở tỉnh Bình Dương mà các tỉnh, thành khác trong cả nước nổi lên tình trạng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) lợi dụng sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác quản lý đã có hành vi chiếm dụng, xâm tiêu vốn của Nhà nước. Tại Bình Dương, tổng dư nợ tính đến cuối năm 2015 đạt 1.118 tỷ đồng, với 68.046 hộ vay còn dư nợ. Trong quá trình quản lý, thu hồi vốn, lãi vay cho Nhà nước, kết quả phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể còn nhiều bất cập khiến nợ quá hạn năm 2015 có xu hướng tăng so với năm 2014. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị- xã hội trong năm qua là 1.091 tỷ đồng, nợ quá hạn là 4,047 tỷ đồng, chiếm 0,37% tổng dư nợ nhận ủy thác và tăng 397 triệu đồng so với đầu năm.

Theo số liệu của NHCSXH tỉnh, một trong các đơn vị nhận dư nợ cho vay ủy thác có tỷ lệ nợ quá hạn cao trong năm 2015 là Đoàn Thanh niên tỉnh, với dư nợ quản lý là 102 tỷ đồng, nợ quá hạn 689 triệu đồng, chiếm 0,67% và tăng 184 triệu đồng so với đầu năm. Kế đến là Hội Cựu chiến binh tỉnh quản lý dư nợ 143 tỷ đồng, nợ quá hạn 459 triệu đồng, chiếm 0,32% và tăng 92 triệu đồng so với đầu năm. Tiếp đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý số dư nợ 468 tỷ đồng, nợ quá hạn trên 1,3 tỷ đồng, chiếm 0,29% và tăng 59 triệu đồng so với đầu năm. Cuối cùng là Hội Nông dân tỉnh quản lý dư nợ 378 tỷ đồng, nợ quá hạn trên 1,5 tỷ đồng, chiếm 0,4% và tăng 62 triệu đồng so với đầu năm.

Với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan của NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã khiến tổng số nợ xấu của NHCSXH tỉnh tính đến 31-12-2015 là trên 4,5 tỷ đồng, chiếm 0,4% trên tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 4,154 tỷ đồng, chiếm 0,37% trên tổng dư nợ, tăng 454 triệu đồng so với đầu năm 2015; nợ khoanh 397 triệu đồng, chiếm 0,03% trên tổng dư nợ và giảm 28 triệu đồng so với đầu năm 2015.

Quản lý, giám sát chặt nguồn vốn

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Các nghị quyết này đều nhấn mạnh đến vấn đề an sinh xã hội, chăm lo người nghèo. Do vậy, NHCSXH tỉnh phải chủ động suy nghĩ cách làm, chương trình hành động cụ thể và xác định những việc phải làm một cách đồng bộ. Trong đó, NHCSXH với vai trò là đơn vị chủ công, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là đơn vị phối hợp cần có sự phối hợp nhịp nhàng để kiểm tra, thẩm định hộ vay vốn tốt hơn, có căn cơ hơn và làm có trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, NHCSXH cần tăng cường quản lý, kiểm tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, chỉnh sửa, uốn nắn những sai phạm, tiêu cực nhằm ngăn ngừa các trường hợp xâm tiêu, chiếm dụng vốn phát sinh.

Theo ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH tỉnh, trong năm 2015, bên cạnh hoạt động của Hội đồng Quản trị (HĐQT), NHCSXH các cấp đã được củng cố. Việc tổ chức các phiên họp định kỳ của Ban đại diện HĐQT các cấp và triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT cũng được đơn vị tổ chức rốt ráo. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát, triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam thực hiện những nội dung công khai hóa ở điểm giao dịch tại xã, kiểm tra kiểm soát nội bộ... cũng được NHCSXH tỉnh thực hiện tốt. Tuy thế, qua thực tế đơn vị đã phát hiện tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn khá nhiều. Nguyên nhân trước hết là hộ gia đình vay vốn bán nhà bỏ đi khỏi địa phương không trả nợ cho ngân hàng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, do các tổ trưởng TTK&VV chiếm dụng vốn, khi phát hiện sự việc cấp xã không có giải pháp xử lý, lại không báo cáo kịp thời cho ngành chức năng và NHCSXH tỉnh biết để có biện pháp phối hợp xử lý thu hồi. Ngoài ra, một số hộ vay cố tình chây ì, chưa có ý thức trả nợ dẫn đến không ít khó khăn đối với việc thu hồi nợ vay, phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn...

Về phía các đơn vị phối hợp thực hiện tín dụng chính sách, ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng công tác kiểm tra giám sát người vay vốn tại một số ban đại diện huyện, thị, thành phố trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức; bên cạnh đó các thành viên thực hiện kiểm tra giám sát địa bàn chưa kịp thời... Bởi theo ông Bông, khi giải ngân cho vay, NHCSXH cấp huyện trong tỉnh xem xét cụ thể từng trường hợp cho vay, mỗi hộ đều có địa chỉ cho vay rõ ràng. Thế nhưng, khi hộ gia đình vay vốn bán nhà bỏ đi khỏi địa phương thì không ai biết... “Vấn đề được đặt ra là với những trường hợp ở nhà trọ, liệu rằng có được vay vốn chính sách hay không; khi đối tượng vay vốn thiếu ý thức trả nợ hoặc bỏ đi nơi khác thì giải quyết thế nào? Theo tôi, NHSXH cấp huyện, các tổ chức hội, đoàn thể cần kiểm tra lại quy trình kiểm tra, giám sát sử dụng vốn để bảo đảm công tác thu hồi nợ, nguồn vốn bền vững”, ông Bông nói.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết hiện công tác bình xét cho vay ở một số địa phương chưa chặt chẽ; khi bình xét đối tượng cho vay lại không có sự tham gia ý kiến của các hội, đoàn thể, thậm chí có một số địa phương khi hộ có nhu cầu vay vốn không thuộc hộ nghèo hoặc có đặc điểm không chí thú làm ăn nhưng lại được xác nhận là hộ khó khăn về tài chính để được vay vốn. “Tôi muốn đề cập đến vai trò và hiệu quả hoạt động của TTK&VV trong việc giám sát và bình xét. Bởi việc kiểm tra, giám sát có vai trò rất quan trọng tại địa phương, nhất là tổ trưởng TTK&VV, người nắm bắt được tình trạng thực tế của người dân, biết được người vay có đủ tiêu chuẩn hay không”, bà Nhung nói.

Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, cho biết với tổng dư nợ cho vay đạt 1.118 tỷ đồng trên 1.119 tỷ đồng nguồn vốn, chất lượng hoạt động tín dụng của NHCSXH tỉnh vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy vậy, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh, các tổ chức chính trị, hội, đoàn thể cũng cần quan tâm các vấn đề quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn vốn, quá trình thực hiện xác nhận các hộ ở địa phương. Bên cạnh đó, NHCSXH cần thường xuyên nắm rõ số đối tượng được thụ hưởng chính sách, số đối tượng có nhu cầu vay vốn và nắm bắt tình hình dư nợ thực tế tại địa phương để thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên