Tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới: Chung tay đẩy lùi bạo hành gia đình

Cập nhật: 24-08-2023 | 09:27:59

 “Đẩy mạnh việc tuyên truyền để giúp trẻ em, phụ nữ hạnh phúc, nhà nhà hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc khi mọi người hiểu đúng về bình đẳng giới và không còn bạo lực gia đình”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.Hồ Chí Minh, cho biết như vậy khi tham gia báo cáo tại hội nghị tuyên truyền về bình đẳng giới do Hội LHPN tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây.

 Đại biểu theo dõi phiên tòa giả định

 Nâng cao vị thế của phụ nữ

Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đề án, tập trung triển khai thực hiện các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới (bao gồm cả xâm hại trẻ em, mất cân bằng giới tính khi sinh). Cán bộ, hội viên, phụ nữ đã kịp thời lên tiếng khi phát hiện phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Nằm trong các hoạt động hưởng ứng chủ trương đó, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều nội dung như hội thi tìm hiểu Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình; tập huấn phòng, chống mua bán người và các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao trên không gian mạng... Mới đây, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền để giúp trẻ em, phụ nữ hạnh phúc, nhà nhà hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc khi mọi người hiểu đúng về bình đẳng giới và không còn bạo lực gia đình. Bộ tiêu chí hạnh phúc quy định rất cụ thể về các vấn đề như: Điều kiện kinh tế, tinh thần, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể dục thể thao. Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để ai cũng biết, vận dụng, từ đó xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

(Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.Hồ Chí Minh)

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.Hồ Chí Minh tuyên truyền, phổ biến các điểm quan trọng trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới; hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tham dự phiên tòa giả định về phòng, chống xâm hại tình dục với trẻ em. Các đại biểu cũng được hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Phòng, chống xâm hại trẻ em” theo hướng dẫn của Công an tỉnh để bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi tốt hơn khi có tình trạng xâm hại, bạo hành xảy ra.

Sau khi xem xong phiên tòa giả định, nhiều người cho biết tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, nhất là tại các khu nhà trọ rất đáng quan tâm. Trẻ em khi ở nhà một mình, không có người thân bên cạnh dễ trở thành nạn nhân của tệ nạn này.

Đẩy lùi bạo hành gia đình

Bà Nguyễn Ngọc Yến Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Nhâm, cho biết Hội LHPN phường thường xuyên phối hợp với công an, tư pháp tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, người dưới 18 tuổi và bạo hành gia đình. “Phường Bình Nhâm hiện có 4 chi hội, 29 tổ hội với 1.802 hội viên. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội. Song song đó công tác hòa giải cơ sở cũng được quan tâm, từ đó đã phòng tránh được nạn bạo hành gia đình”, bà Nguyễn Ngọc Yến Nga cho biết thêm.

Theo bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hội nghị tuyên truyền bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 cũng như công tác phổ biến pháp luật đến tận cơ sở mà các cấp hội thực hiện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, đây cũng là cách để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; ngăn chặn bạo lực xảy ra, giúp nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời, góp phần tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực.

“Đại biểu dự nghe những buổi tuyên truyền sẽ tiếp tục là báo cáo viên, tuyên truyền viên tại những buổi sinh hoạt chi, tổ hội phụ nữ ở địa phương. Một khi chúng ta cùng góp một tiếng nói, một hành động ý nghĩa thì bình đẳng giới được thực hiện, nạn bạo hành gia đình cũng lùi xa”, bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết.

 Trong 5 năm qua (2018-2023) Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn tuyên truyền phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho khoảng 500 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hội còn phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em...

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2022 đến tháng 5-2023, trên địa bàn tỉnh có 84 trẻ em bị XHTD, trong đó có 77 trẻ em gái. Theo Sở LĐTB&XH, tất cả trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, kể cả bé gái và bé trai. Trẻ em bị xâm hại tình dục không chỉ tổn thương về thể chất, mà còn phải chịu ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần. Điều đáng nói là hầu hết các trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình hoặc là người quen, hàng xóm…

QUỲNH NHƯ - THANH TUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=635
Quay lên trên