Tạo cơ hội kết nối giao thương với các doanh nghiệp Ấn Độ

Cập nhật: 08-12-2022 | 12:33:07

Dự kiến vào giữa tháng 12, ngành công thương và Liên đoàn các phòng thương mại Telangana (Ấn Độ) sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho 20 doanh nghiệp (DN) Ấn Độ được kết nối, làm việc trực tiếp với DN Bình Dương.

Thiện ý từ hai phía

Trong đợt công tác tại Ấn Độ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với tỉnh Bình Dương và Phòng Thương mại và Công nghiệp, các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) và Câu lạc bộ các Nhà lãnh đạo DN (CEO Clubs) tổ chức các buổi giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư để trao đổi và tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh song phương.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn DN, ông Nguyễn Hoàng Thao, cho biết: “Bình Dương là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa lý thuận lợi tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, gần sân bay và cảng biển quốc tế. Phát huy lợi thế địa lý là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh… Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển mạnh về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 30 khu công nghiệp có tổng diện tích khoảng 12.700ha”.


Nhiều cơ hội hợp tác thương mại mở ra cho doanh nghiệp Bình Dương từ sau Horasis Ấn Độ 2022

Trao đổi về cơ hội hợp tác kinh doanh với Ấn Độ, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, nhấn mạnh tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Bình Dương với Ấn Độ đạt 806 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Ấn Độ, trong đó Bình Dương xuất khẩu 263 triệu đô la Mỹ và nhập khẩu 543 triệu đô la Mỹ. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực là sắt thép các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xơ sợi, nhựa nguyên liệu…

Sau Horasis Ấn Độ 2022, nhận xét về những cơ hội hợp tác với DN Ấn Độ, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, tỉnh Bình Dương luôn tạo nhiều điều kiện để trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác đầu tư giữa Becamex và các DN Ấn Độ, nhất là những ngành nghề đối tác phù hợp với yêu cầu xây dựng hệ sinh thái kiểu mới để tỉnh xây dựng phát triển công nghiệp 4.0 trong tương lai. Đồng thời mong muốn, sau đối thoại song phương, giữa Becamex và Liên đoàn DN Ấn Độ sẽ sớm ký kết những ghi nhớ để hai bên đặt nền tảng cùng hợp tác, khai thác thế mạnh của các bên cho giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, triển khai những hợp tác cụ thể để cùng đón đầu những cơ hội dịch chuyển của DN trên toàn cầu. Để đón đầu các cơ hội này, Becamex đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện để đáp ứng các yêu cầu của DN.

Phía các DN Ấn Độ mong muốn hợp tác với tỉnh Bình Dương về đầu tư và xây dựng phát triển sản phẩm đồ gỗ - nội thất; phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng khu công nghiệp - nhà xưởng; hợp tác phát triển năng lượng tái tạo; xử lý nước thải và tuần hoàn nước; hợp tác phát triển công nghiệp phụ trợ, phụ tùng ô tô - xe máy…

Nhiều ngành hàng mong đợi

Thời gian qua, cơ cấu ngành trong quan hệ trao đổi thương mại hai nước đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu trước đây các mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho ngành nông nghiệp, chăn nuôi, dược phẩm và hóa chất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trao đổi thương mại thì nay cơ cấu ngành hàng rất đa dạng, phong phú, trải rộng từ sản phẩm nông nghiệp đến hàng cơ khí - chế tạo, máy móc, thiết bị đến các mặt hàng có giá trị cao như hàng điện tử, thiết bị điện thoại di động. Ngoài ra, các mặt hàng sử dụng nhiều lao động như nguyên, vật liệu cho ngành dệt may, da giày và hàng thủ công mỹ nghệ cũng bắt đầu được trao đổi nhiều. Tính đến nay, Ấn Độ đứng thứ 23 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương với 10 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 116 triệu đô la Mỹ. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là dụng cụ y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo, thanh trùng nông sản thực phẩm…

Theo các DN ngành dệt may và da giày, cả hai ngành hàng này đều là lợi thế của Ấn Độ. Hiện tổng quy mô của ngành dệt may Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ đô la Mỹ với thị trường nội địa 100 tỷ đô la Mỹ và xuất khẩu trị giá 40 tỷ đô la Mỹ sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, quy mô tổng thể của ngành dệt may Việt Nam vào khoảng 45 tỷ đô la Mỹ, cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may như bông, sợi, hàng may sẵn và vải.

Với da giày, đây là ngành có mức tăng trưởng ổn định và là một trong những ngành thu ngoại tệ đáng kể cho quốc gia Nam Á này. Đặc biệt, Ấn Độ có nguồn nguyên liệu thô dồi dào, nhân công lành nghề, công nghệ tiên tiến…

Các DN Bình Dương muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất, xuất khẩu dệt may và da giày vào Ấn Độ vì đây là một thị trường hấp dẫn. Thêm vào đó quốc gia này có nguồn cung vải, sợi chất lượng và nguồn cung nguyên liệu da giày ổn định. Từ đó, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết khi thị trường thế giới đang bị bão hòa, hoặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì Ấn Độ là thị trường đáng quan tâm, cần đẩy mạnh hợp tác. Trong thời gian qua, Thương vụ đã hỗ trợ nhiều DN Việt Nam nghiên cứu mở văn phòng đại diện, thành lập công ty tại Ấn Độ, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế. Để có thể nhanh chóng tiếp cận được thị trường Ấn Độ, Thương vụ khuyến nghị DN Việt Nam mạnh dạn tăng cường hiện diện bằng việc khẩn trương thành lập công ty hoặc mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ.

Ông Rajkuma Ranja Singh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nhấn mạnh trong 50 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển rất tốt đẹp và ngày càng thắt chặt. Ấn Độ rất cởi mở trong đầu tư, hợp tác với Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Ông đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà tỉnh Bình Dương đã đạt được thời gian qua và tin rằng với những điều kiện sẵn có, Bình Dương là điểm đến rất tốt để DN Ấn Độ đầu tư và có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.

TIỂU MY - THẠNH MỸ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên