Tạo đà phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững

Cập nhật: 15-11-2018 | 07:39:14

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Phú Giáo đã xây dựng chương trình đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện chương trình đột phá này, đến nay huyện đã tích cực triển khai các chính sách về lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC).

 

 Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Phú Giáo phát triển đúng hướng. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa lan của gia đình chị Nguyễn Ngọc Diệp, ở khu phố 5, thị trấn Phước Vĩnh. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

 Nghị quyết hợp lòng dân

Chị Nguyễn Ngọc Diệp, ngụ khu phố 5, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, đã thực hiện thành công mô hình trồng lan theo hướng NNCNC. Chị cho biết năm 2014, trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, cùng với đó là quy định của địa phương không được chăn nuôi trong nội ô thị trấn Phước Vĩnh, thay vì ngồi chờ những chính sách hỗ trợ chị đã chuyển đổi mô hình kinh tế mới với việc thử nghiệm mô hình trồng hoa lan. Qua thời gian thử nghiệm mô hình trồng lan, chị nhận thấy đây là mô hình kinh tế khả quan. Năm 2016, chị triển khai trồng hơn 3.000m2 lan với khoảng 20.000 giò lan các loại. Đến nay, chị đã mở rộng vườn lan của gia đình lên hơn 8.000m2, mỗi năm doanh thu hàng tỷ đồng.

Năm 2015, hộ ông Nguyễn Văn Cường, ở ấp Cà Na, xã An Bình, triển khai thực hiện mô hình trồng dưa lưới. Với diện tích thử nghiệm ban đầu 2.000m2, gia đình ông đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới khép kín gồm khung sắt, phía trên bao phủ bằng nylon, bên ngoài phủ bằng nhựa để chống côn trùng, bên trong nhà lưới có đường đi, hệ thống phun tưới tự động, đo nhiệt độ..; tổng số tiền đầu tư 500 triệu đồng. Đến nay, sau 3 năm thử nghiệm, mô hình này đã đem lại hiệu quả tốt; sản phẩm dưa lưới của gia đình ông đã được nhiều khách hàng chọn mua, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Điều đáng nói, từ mô hình trồng dưa lưới của ông đến nay đã hình thành nên Hợp tác xã NNCNC Kim Long với sản phẩm chủ lực là dưa lưới, đã tạo được thương hiệu đối với người tiêu dùng.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020, các cấp Hội Nông dân ở huyện Phú Giáo đã nỗ lực hỗ trợ người nông dân, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế NNCNC. Những năm trước đây, việc xuất hiện Khu NNCNC An Thái (xã An Thái) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư với quy mô 411,75 ha và Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng CNC do Công ty Cổ phần Đường Bình Dương làm chủ đầu tư ở 2 xã Tân Hiệp và Phước Sang với quy mô 471 ha đã nói lên sức hút và tiềm năng của Phú Giáo trong lĩnh vực NNCNC.

Tiếp đà phát triển, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Phú Giáo đã xây dựng chương trình đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, huyện đã tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình, đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; từng bước hình thành các mô hình sản xuất NNCNC, các trang trại chăn nuôi lớn, tập trung theo đúng quy hoạch. Các trang trại chăn nuôi này đã áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Tiếp đà phát triển bền vững

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo, Khu NNCNC An Thái và Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng NNCNC là các khu sản xuất nông nghiệp CNC hiện đại của tỉnh. Các khu này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp chung của huyện.

Đến huyện Phú Giáo hôm nay, mọi người có thể dễ dàng bắt gặp các mô hình sản xuất NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Từ yêu cầu sản xuất và từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương, nông dân huyện Phú Giáo đã sớm ứng dụng các mô hình sản xuất NNCNC, như mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình kinh tế tổng hợp; mô hình nuôi cá nước ngọt, cá sấu… Trong lĩnh vực trồng trọt, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình thử nghiệm và canh tác ứng dụng nhà lưới kín, sử dụng hệ thống bón phân và tưới nước tự động trên một số loại cây trồng như cà chua, rau, dưa leo; mô hình nhà lưới trồng cây ăn quả…

Bên cạnh đó, nông dân trong huyện cũng tích cực học hỏi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó đã hình thành các mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Các hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hộ gia đình trên địa bàn huyện cũng đang chuyển dần sang chăn nuôi với quy mô lớn, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm điều kiện môi trường và an toàn thực phẩm.

Nói về những kết quả trong phát triển NNCNC của huyện, ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết trong định hướng phát triển nông nghiệp Phú Giáo xác định việc đẩy mạnh sản xuất NNCNC là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Việc phát triển NNCNC là nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng của huyện để không quá phụ thuộc vào cây cao su, đồng thời nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tính đến nay, toàn huyện có 104 mô hình sản xuất NNCNC đã và đang mang lại nguồn thu ổn định.

Để tạo đà cho nông nghiệp sạch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Đạt cho biết thêm tới đây huyện sẽ xây dựng một hệ thống chuỗi cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện một số mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, như mô hình trồng hoa lan, trồng rau thủy canh, trồng dưa lưới, nuôi cá, trồng cam, quýt dọc theo sông Bé; quy hoạch tổng thể vùng trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm môi trường và đúng quy hoạch…

 KHÁNH VINH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=297
Quay lên trên