Phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) được coi là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp (DN) phát triển và nâng cao năng suất. Trong thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KHCN của DN có hiệu lực, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, DN khó tiếp cận với các nguồn hỗ trợ. Sở KHCN đã phối hợp với các ngành chức năng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của DN để đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả, hài hoà lợi ích của DN.
Với việc gỡ vướng trong chính sách sẽ tạo điều kiện cho DN đầu tư, đổi mới KHCN trong sản xuất Trong ảnh: Máy đóng gói sản phẩm tự động của Công ty Cổ phần Dược thảo Vina Reishi (ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng) Ảnh: HOÀNG PHẠM
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN cho biết, Quỹ phát triển KHCN của tỉnh được thành lập nhằm tạo nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ. Việc giải ngân nguồn vốn đòi hỏi tổ chức, cá nhân có đề án cụ thể, có tính khả thi cao, sau khi tiếp nhận, thẩm định hồ sơ sẽ thông qua Hội đồng khoa học để đánh giá, từ đó quỹ có cơ sở để ký hợp đồng và tiến hành giải ngân vốn. |
Gỡ khó về chính sách
Tính đến nay, trên cơ sở Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã có nhiều chính sách, cơ chế mới được Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương trong cả nước ban hành. Đối với Bình Dương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển KHCN như Quyết định 2177/QĐ-UBND về quy định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KHCN có sử dụng nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh; Quyết định 04/2016/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2016-2020; thành lập Quỹ phát triển KHCN tỉnh… Tuy nhiên, theo các DN, mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, bất cập. Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường Caxe (TX. Dĩ An) cho biết, hiện nay các chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư KHCN đã có nhưng thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà. Là một DN vừa và nhỏ nhưng công ty đã 2 lần không hoàn thành đủ các thủ tục cần thiết để vay vốn từ Quỹ phát triển KHCN tỉnh. Bên cạnh đó, việc thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN cũng còn nhiều vướng mắc. Đại diện nhiều DN cho rằng, khi trích lập, sử dụng quỹ còn khó khăn vì có quá nhiều điều khoản ràng buộc với các thông tư, văn bản hướng dẫn dẫn đến sự chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát với thực tế. Cùng với đó, quy định DN được khuyến khích trích 10% từ thu nhập trước thuế để lập quỹ nhưng khi muốn sử dụng quỹ thì phải làm hồ sơ, lập hội đồng, thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối… Về vấn đề Quỹ phát triển KHCN của DN, theo ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh, đối với các vấn đề liên quan về thuế khi thành lập và chi quỹ, cũng như mức tính thuế khi quỹ chưa được sử dụng hết đã có quy định. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh sẽ có hướng dẫn, giải thích cụ thể cho DN và có phương án giải quyết phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của DN cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.
Chuyển giao công nghệ
Vấn đề chuyển giao công nghệ tại các DN trong cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đang gặp nhiều trở ngại. Ngoài việc các DN vẫn chưa có thói quen cũng như chưa đánh giá đầy đủ vai trò của đầu tư phát triển công nghệ trong chiến lược phát triển bền vững, lâu dài thì vấn đề thiếu vốn, thủ tục hành chính phức tạp cũng là trở ngại để DN thực hiện chuyển giao công nghệ. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I chia sẻ, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, công ty phải tự đầu tư hàng triệu USD để nhập những hệ thống máy móc sản xuất hiện đại từ các nước có nền khoa học tiên tiến như Đức, Pháp, Nhật, Ý... Bên cạnh đó, việc công nhận kết quả nghiên cứu còn bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật, như việc giới hạn về ngành nghề hoặc sản phẩm tạo ra từ ngành nghề đó ở lĩnh vực công nghệ cao là chưa hợp lý. Cụ thể như Quyết định 66/2014/QĐ-TTg thay đổi danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển lại không có công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp. Do đó, Minh Long gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, cải tiến máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, vì không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư cho KHCN. Trao đổi tại Hội thảo “Đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D) và đổi mới công nghệ: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững của DN” do Sở KHCN phối hợp với Văn phòng các chương trình KHCN quốc gia (Bộ KHCN), Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương và Cục Thuế tỉnh tổ chức vừa qua, lãnh đạo nhiều DN cũng nêu ra băn khoăn, một số công nghệ của các nước tiên tiến đã có đủ các kiểm chứng cũng như chứng nhận quốc tế, DN muốn đưa công nghệ đó về ứng dụng trong sản xuất tại DN nhưng không có vốn thì tỉnh sẽ hỗ trợ DN như thế nào? Về vấn đề này, ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, Quỹ phát triển KHCN của tỉnh sẽ cho vay vốn đối với các dự án đổi mới công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao. Do đó, DN phải xác định dự án đổi mới công nghệ hay nâng cao năng lực KHCN để Hội đồng khoa học và ban lãnh đạo quỹ phê duyệt cho vay vốn hay hỗ trợ một phần vốn nhằm tạo điều kiện cho DN triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
“Với quan điểm lấy DN làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KHCN, tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, Văn phòng các Chương trình KHCN quốc gia (Bộ KHCN) đã xây dựng các chương trình KHCN quốc gia cho các tổ chức KHCN, các DN có năng lực thực hiện nhiệm vụ KHCN, các cá nhân hoạt động KHCN tham gia chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020… Mức hỗ trợ kinh phí cho các DN, cá nhân tham gia các chương trình nói trên từ 30%, 50% và 100% tùy theo đề tài, dự án và hỗ trợ hoạt động thương mại hóa sản phẩm, phát triển thị trường…”
(Ông Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình KHCN quốc gia)
HOÀNG PHẠM