Tạo việc làm cho con em người có công: Việc làm nhiều ý nghĩa

Cập nhật: 24-07-2017 | 05:05:53

Thời gian qua, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã hội trong tỉnh luôn quan tâm đến việc hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em gia đình người có công (NCC). Việc làm này không chỉ giúp cho các gia đình chính sách giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

 

 Dạy nghề lao động nông thôn tạo điều kiện cho con em gia đình chính sách khó khăn được học nghề để tự tạo việc làm. Ảnh: T.LÝ

 Chú trọng phát triển nguồn nhân lực

Với ý nghĩa đền ơn đáp nghĩa, Bình Dương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh, sinh viên (SV) là con em NCC với cách mạng. Thực hiện Thông tư 36/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo đối với NCC với cách mạng và con của họ, Bình Dương đã hỗ trợ chi phí học tập cho con của NCC với cách mạng đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; NCC với cách mạng và con của họ theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 1 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí học tập, tỉnh còn đẩy mạnh các chương trình vay vốn SV, tạo điều kiện cho SV là con NCC có điều kiện học tập, nâng cao năng lực. Hầu hết SV là con NCC đều xác định được động cơ, thái độ học tập, thi đua rèn luyện, khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập. Điều đáng nói là thành tích học tập của SV là con NCC năm sau luôn cao hơn năm trước. Đa số các SV sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định như: Nhân viên văn phòng cho một số công ty nước ngoài tại các khu công nghiệp, kế toán, ngân hàng, quản trị, đồ họa… Điển hình như bạn Vương Đăng Phát, SV năm thứ 4 khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Bình Dương, con thương binh Vương Đăng Lộc. Là SV ngành quản trị kinh doanh, được xem là ngành tổng hợp với nhiều môn học khó, đòi hỏi SV phải có kiến thức rộng không chỉ giỏi về những con số toán học mà còn phải giỏi về ngoại ngữ lẫn kiến thức khoa học, xã hội, đời sống. Song nói về thành tích học tập của Phát, ai cũng thán phục, là SV giỏi của trường, điểm trung bình trên 8 chấm. Bên cạnh đó, Phát còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn - Hội, tình nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo, người già khuyết tật.

Nói về bíquyết học tập, Phát chia sẻ: “Trên lớp mình chăm chú nghe giảng bài, những gì mình không hiểu hỏi bạn hoặc có thể chất vấn lại thầy cô, như vậy mình sẽ hiểu bài, nhớlâu hơn. Tham gia công tác Đoàn giúp mình tự tin và hiểu biết nhiều hơn về xã hội”. Khi nói về ước mơ sau này của mình, Phát mong muốn mình sẽ trở thành nhà quản trị nhân sự, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Trường hợp của bạn Vương Phương Lan, con của ông Vương Xuân Đông là đối tượng có công với cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học ở khu 7, phường Phú Hòa. Hiện Lan đang theo học năm thứ 2 khoa tiếng Anh pháp lý, trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh. Với ước mơ sau này trở thành một luật gia, Lan tích cực học tập chăm chỉ, kết quả học tập năm sau luôn cao hơn năm trước. Để biến ước mơ trở thành sự thật, Lan đã sử dụng phần tiền hỗ trợ chính sách ưu đãi để học thêm ngoại ngữ, nâng cao trình độ để sau này có thể góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đào tạo nghề cho con em đối tượng chính sách

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh, cho biết nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em các đối tượng NCC được đến trường học tập, thời gian qua, các chính sách ưu đãi hỗ trợ học sinh, SV, miễn giảm học phí, hỗtrợhọc phícho con em NCC đã được tỉnh triển khai đầy đủ. Đặc biệt, tỉnh cũng đã xóa bỏ việc phân biệt giữa trường công lập và trường tư thục trong xem xét trợ cấp ưu đãi giáo dục - đào tạo. Theo quy định hiện nay, không những đối tượng là NCC, mà cả thân nhân của NCC cũng được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, nhất là con của NCC vừa được trợ cấp hàng tháng, vừa được hỗ trợ học phí và trợ cấp 1 lần, giúp cho các em yên tâm và có điều kiện học tập tốt hơn; đồng thời cũng giúp cho các gia đình chính sách có con đang đi học giảm bớt phần nào khó khăn, góp phần hạn chế việc bỏ học. Bên cạnh đó, để giúp con em NCC có nghề nghiệp, việc làm, tỉnh cũng lồng ghép các chính sách đào tạo nghề, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ưu tiên tuyển dụng con thương binh, liệt sĩ vào làm việc.

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát các đối tượng có nhu cầu là con liệt sĩ, con thương, bệnh binh, gia đình có công đăng ký theo học. Đây sẽ là căn cứ để tỉnh triển khai các kế hoạch đào tạo nghề cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng gắn với giải quyết việc làm, chú trọng các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Anh Nguyễn Xuân Vũ, công nhân điện công nghiệp phường An Bình, (TX.Dĩ An) là con thương binh hạng 2/4 cho biết: “Năm 2016, tôi tốt nghiệp lớp trung cấp điện công nghiệp, được sự giới thiệu của địa phương, tôi được nhận vào Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật ASTER làm việc. Tôi rất hài lòng với công việc hiện tại, với tiền lương khoảng 9 triệu đồng/tháng, tôi không chỉ có điều kiện ổn định cuộc sống bản thân mà còn có điều kiện phụ giúp gia đình”.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=791
Quay lên trên