Tạo việc làm cho nữ lao động nông thôn: Nâng cao vị thế phụ nữ

Cập nhật: 10-12-2013 | 00:00:00

Hạn chế về tuổi tác, trình độ, đảm nhiệm công việc nội trợ, con cái, do đó nữ lao động nông thôn (LĐNT) như “khép mình” trong khuôn khổ gia đình. Tuy vậy, phụ nữ (PN) đang chiếm một phần không nhỏ trong lực lượng LĐNT. Ðể “khơi thông” nguồn nhân lực, những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nữ ở nông thôn được các cấp quan tâm, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh. Từ đó, tạo cơ hội để PN tìm kiếm việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế…

Dạy nghề lưu động, phù hợp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 1,7 triệu người, trên 700.000 lao động nhập cư. Trong đó, dân số đô thị gần 600.000 người, dân số nông thôn hơn 1.100.000 người. Tổng số PN là gần 900.000 người. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung chỉ đạo ưu tiên công tác hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho LĐNT, đặc biệt là lao động nữ. Thực hiện Đề án 295 của Thủ tướng Chính phủ về “Ðào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, tỉnh Bình Dương đã có nhiều hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nữ LĐNT. Năm 2013, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh đã mở 8 lớp dạy nghề nấu ăn đãi tiệc, may gia dụng cho LĐNT, với 232 học viên (HV) tại xã Tân Mỹ, Minh Thạnh, Tân Thành, Đất Cuốc, Thạnh Hội, Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên), Minh Thạnh, Thanh An, Thanh Tuyền, Dầu Tiếng)… Bên cạnh đó, tại trung tâm đã khai giảng 38 lớp, có 456 HV mới (97 nam, 359 nữ) gồm các lớp vẽ móng, cắt uốn tóc, trang điểm, trang trí bánh kem, làm bánh, cắm hoa Đông phương, nấu ăn đãi tiệc, nấu ăn gia đình, tỉa củ quả…

Dạy nghề may cho nữ LĐNT

Do HV không có điều kiện đi xa học nghề, trung tâm đã phối hợp với Hội LHPN các huyện, thị, thành phố mở lớp dạy nghề tại chỗ. Thời gian học do các chị em chủ động sắp xếp phù hợp với công việc gia đình. Vừa được học nghề miễn phí, lại chu tất việc nhà và con cái, đặc biệt có việc làm ngay sau khi học, mà không phải đi đâu xa nên số lượng HV tham gia khá đông.

Theo Đề án 295, HV theo học được miễn toàn bộ học phí và hỗ trợ toàn bộ nguyên vật liệu thực hành, nên nhiều chị em PN nghèo vẫn có thể tham gia. Các HV thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác… được hỗ trợ tiền ăn, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động trong thời gian học.

Ổn định cuộc sống

Sau các khóa học, có khoảng 70 - 80% HV áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất. Một số mở quán ăn, dịch vụ nấu tiệc và đi làm nhân viên phục vụ cho các nhà hàng; mở tiệm may và dịch vụ sửa quần áo… Thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/ tháng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Chị Nguyễn Thị Hà, xã Minh Thạnh (Dầu Tiếng), cho biết: “Trước đây, vừa chăm con, vừa đi làm thuê ở xa nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Sau khi được đào tạo nghề nấu ăn đãi tiệc, tôi vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Nhờ đó, công việc ổn định, thu nhập khá…”.

Chị Tô Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh, cho biết: Sau mỗi khóa đào tạo, HV được cấp giấy chứng nhận để thuận tiện cho công việc. Ngoài ra, trung tâm còn khuyến khích địa phương xây dựng mô hình tổ hợp tác để giúp các HV có công việc tại chỗ. Từ đó, nhiều HV có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo. Điển hình, tổ hợp tác nấu ăn đãi tiệc xã Minh Thạnh (Dầu Tiếng), thị trấn Tân Phước Khánh (Tân Uyên). Mỗi tổ có 30 thành viên là hội viên PN đã qua khóa đào tạo nấu ăn đãi tiệc. Tại đây, các chị cùng nhau góp vốn xây dựng điểm nấu ăn đãi tiệc hay nấu suất ăn công nghiệp. Cũng từ mô hình này, nhiều địa phương đến học hỏi kinh nghiệm, tiếp tục vận động PN tham gia thành lập tổ cùng chung tay, góp sức nâng vị thế PN, thoát khỏi “vỏ bọc” phụ thuộc chồng, là bà nội trợ. Ngoài ra, còn xuất hiện 2 mô hình nuôi cá cảnh, trồng hoa lan tại xã An Sơn (TX.Thuận An).

Để tiếp tục phát huy hiệu quả đạt được, trung tâm tiếp tục tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, duy trì các lớp tại trung tâm và phối hợp với phòng dạy nghề các huyện, thị, thành phố thực hiện chương trình dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956, Đề án 295; nâng cao năng lực dạy nghề, chú trọng dạy các nghề phù hợp với PN và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; quan tâm dạy nghề cho PN khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và PN đô thị nghèo theo hướng phát triển các ngành dịch vụ, thủ công truyền thống, tạo nhiều việc làm tại địa phương cho PN nông thôn.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=572
Quay lên trên