Tạo xung lực phát triển

Cập nhật: 10-06-2022 | 10:04:16

Ngày 6-6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về vấn đề phát triển các dự án kết nối trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ là cố gắng tạo đồng thuận cao để tổ chức thực hiện, kết thúc năm 2025 có thêm cao tốc, tạo đột phá về hạ tầng. Trong đó có dự án đường Vành đai 3, con đường được đánh giá khi hoàn thành sẽ giúp TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giải quyết điểm nghẽn, mở ra tuyến giao thông chiến lược. Nếu có Vành đai 3, việc “xuyên tâm” TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương trong vùng dự án tạo ra dòng lưu thông thông suốt, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistics.

Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh còn phải đầu tư 76,34km, đi qua TP.Hồ Chí Minh 47,51km, Đồng Nai khoảng 11,26km, Bình Dương dài 10,76km, đi qua các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An. Tại tỉnh Long An dài khoảng 6,81km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức. Tính hiệu quả của đường Vành đai 3 là cực kỳ lớn, kết nối các kho, cảng, khu công nghiệp, sân bay, giảm ùn tắc giao thông, mở ra triển vọng phát triển các khu đô thị… Tuyến đường này không chỉ cho Đông Nam bộ mà kết nối cả miền Tây Nam bộ.

Với Bình Dương, một địa phương được đánh giá rất cao trong việc phát triển giao thông với tầm nhìn liên kết vùng, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết những năm qua kinh tế Bình Dương phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của vùng. Năm 2021, Bình Dương thu ngân sách 61.200 tỷ đồng, hiện có 33 khu công nghiệp, thu hút 1,6 triệu lao động. Tuy nhiên, Bình Dương đang đối mặt với rào cản rất lớn, đó là mạng lưới giao thông quá tải nhiều năm nay, rất nhiều tuyến đường huyết mạch ùn tắc trầm trọng do nhu cầu vận tải hàng hóa lớn, lượng người tham gia giao thông đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, việc sớm xây dựng tuyến đường Vành đai 3 sẽ giúp tháo gỡ nút thắt lớn nhất về hạ tầng giao thông, tiếp tục thu hút mạnh đầu tư, hướng đến các lĩnh vực thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, đất đai. Đường Vành đai 3 tại Bình Dương còn 10,76km chưa đầu tư, nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỷ đồng, đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách Trung ương và tỉnh theo tỷ lệ mỗi bên 50%, sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022-2027.

Để đẩy nhanh dự án, Bình Dương kiến nghị đối với phần vốn của Trung ương sẽ được bố trí trong 2 năm 2023-2024, phần vốn còn lại, tỉnh quyết tâm bố trí để hoàn thành tuyến đường trong năm 2024, dự kiến sớm hơn 3 năm. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các cơ chế đặc thù, tỉnh sẽ triển khai ngay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vào tháng 6-2022.

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên