Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, trong giai đoạn 2006-2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã chung sức chung lòng, đoàn kết, phát huy nội lực, tập trung trí tuệ phát triển kinh tế gắn với quy hoạch đô thị và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là lĩnh vực phát triển thương mại - dịch vụ…
Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu GDP là một nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2006-2010. Trong ảnh: Hàng hóa xuất nhập khẩu được tập kết tại Cảng tổng hợp Bình Dương Ảnh: Q.CHIẾN
Trong suốt giai đoạn 2006- 2010, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành đứng ở nhóm đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI). Điều đó đã thể hiện rõ vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong giai đoạn này, mặc dù cả nước phải đối đầu với nhiều thách thức về khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá ổn định, chuyển dịch đúng hướng: Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp và giảm dần tỷ trong nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng tính đến năm 2010 là 63% - 32,6% - 4,4%. So với năm 2005, dịch vụ tăng 4,5%, công nghiệp giảm 0,5%, nông nghiệp giảm 4%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 14% hàng năm. GDP đầu người đạt 30,1 triệu đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2005.
Trong suốt giai đoạn 2006- 2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp nhanh, bền vững đã tạo được những chuyển biến tích cực về thu hút đầu tư, mở ra các ngành, sản phẩm mới, nâng cao trình độ công nghệ. Trong phát triển thương mại - dịch vụ, chương trình phát triển dịch vụ giai đoạn 2006-2010 của tỉnh đề ra là đúng hướng, đạt hiệu quả tốt. GDP dịch vụ tăng bình quân trong giai đoạn này là 24,1% hàng năm, trong khi nghị quyết đề ra tăng bình quân 18 - 20% hàng năm. Các chương phát triển thương mại điện tử, nâng cao nâng lực cạnh tranh, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”… được các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt. Trong giai đoạn 2006- 2010, các ngành dịch vụ như: Bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, vận tải chuyên dùng, thương mại, du lịch… phát triển mạnh, đa dạng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh.
Các con số thống kê cho thấy, giai đoạn 2006-2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 32,8% hàng năm, gấp 4 lần so với năm 2005. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn và chợ nông thôn được các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy thương mại phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn này tăng bình quân 22,9% hàng năm. Năm 2010 đạt 8,5 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với năm 2005. Các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn là sản phẩm gỗ, giày da, dệt may, sản phẩm cao su, hàng thủ công - mỹ nghệ, điện - điện tử…
Cùng với các chương trình phát triển kinh tế toàn diện, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, trong suốt giai đoạn, chương trình phát triển đô thị đến năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị Thuận An và Dĩ An, khu đô thị mới trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương. Công tác quy hoạch một cách đồng bộ về đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đây là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề cho Bình Dương phát triển năng động về kinh tế gắn với phát triển đô thị những năm sau. Trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh đã thực hiện 112 dự án đầu tư khu dân cư, nhà ở thương mại với tổng diện tích 6.253 ha. Đối với lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, ngoài việc ưu tiên đầu tư từ ngân sách, tỉnh đã vận dụng cơ chế thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế khá nhanh của tỉnh.
HỒ VĂN