Thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, lượng người đi lại gia tăng… là những nguyên nhân để các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát thành dịch, như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, cúm, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, sẵn sàng các điều kiện y tế để phòng dịch bệnh có hiệu quả dịp cuối năm.
Cán bộ y tế huyện Bàu Bàng tích cực khám sàng lọc bệnh nhân để hạn chế dịch bệnh bùng phát
Luôn trong tâm thế sẵn sàng
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, cho biết để chủ động ứng phó với những tình huống xấu xảy ra, trung tâm đã tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế từ huyện đến các xã, thị trấn để xử lý thuốc cho đúng với từng đối tượng bệnh nhân; chuẩn bị cơ số thuốc gấp 3 lần so với bình thường để khám và cấp thuốc cho người dân, đặc biệt là các loại thuốc cấp cứu cho những trường hợp khẩn, cấp cứu đơn lẻ và cấp cứu đồng loạt. Đồng thời, trung tâm tăng cường công tác truyền thông trên hệ thống loa đài truyền thanh từ Trung tâm Y tế huyện đến các xã, thị trấn, tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn huyện. Công tác truyền thông còn được lồng ghép nói chuyện chuyên đề trong các buổi sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt khu dân cư…
Với tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh, “chống dịch như chống giặc”, các đơn vị và cơ sở khám chữa bệnh trong huyện cũng đã chủ động củng cố các đội cơ động phòng, chống dịch sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường tại các khu dân cư và hộ gia đình, bố trí cán bộ trực, có chế độ báo cáo hàng tuần... với phương châm là quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát dịp cuối năm.
Để làm tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm dễ gây bùng phát thành dịch, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa lưu động nhằm phổ biến đến người dân những bệnh đã có vắc xin, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế. Với các bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết... để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nơi ở như phát quang bụi rậm, không để muỗi phát sinh, thực hiện tốt ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Người dân cũng hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần kịp thời đến các cơ sở y tế khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Quyết không để bùng phát dịch bệnh
Những ngày cuối tuần vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng cũng đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lên các phương án nếu dịch bệnh bùng phát…
Bà Lê Thị Hồng Oanh, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hưng Hòa, cho hay xã tiếp giáp với Khu công nghiệp Tân Bình nên số người lao động ngoài tỉnh trên địa bàn xã tăng nhanh. Tuy nhiên, trạm y tế xã cùng với các cộng tác viên đã tuyên truyền, vận động người dân tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo, các ban, ngành đoàn thể triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Đối với các bệnh có vắc xin, như: Cúm mùa, dại, bạch hầu, ho gà, uốn ván... trạm vận động người dân chủ động tiêm phòng tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng; tổ chức hiệu quả các chiến dịch tiêm phòng bệnh: Bại liệt - bạch hầu - uốn ván đạt lỷ lệ cao. Các bệnh lây truyền từ gia cầm, gia súc thì phối hợp các đơn vị liên quan phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó, các cán bộ Trạm Y tế xã Lai Hưng và các cộng tác viên đã chủ động liên hệ đến ban điều hành các ấp được phân công để theo dõi nắm bắt tình hình, rà soát các gia đình có con em đến độ tuổi tiêm chủng; phối hợp với Đoàn thanh niên xã tổ chức phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, không để động vật trung gian lây bệnh truyền nhiễm phát triển.
Để cung cấp kiến thức cho cán bộ làm công tác y tế trường học, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng đã tổ chức lớp tập huấn chuyên môn về phòng, chống bệnh tật học đường. Ngoài ra, trung tâm cũng đã đẩy mạnh truyền thông thông điệp 5K phòng, chống bệnh Covid-19, các dịch bệnh trong mùa đông xuân trên sóng phát thanh đến các trạm y tế xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể. Các nội dung truyền thông được lồng ghép nói chuyện chuyên đề trong các buổi sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt khu dân cư... để truyền thông sâu rộng tới người dân địa phương.
THỤC VĂN