Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Bàu Bàng đã có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu. Các gia đình này là những hạt nhân quan trọng trong các phong trào tại các địa phương của huyện Bàu Bàng.
Vợ chồng ông Dũng - bà Nga
Gia đình đảng viên gương mẫu
Về Lai Uyên hỏi thăm gia đình thầy Nguyễn Văn Nuôi (sinh năm 1956) và cô Trương Thị Tất (sinh năm 1956) thì ai cũng biết đó là một đôi vợ chồng nhà giáo rất gương mẫu và thích hoạt động xã hội, giúp đỡ mọi người, là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Trương Thị Tất vui vẻ nhớ lại thời son trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Bà Tất kể, lúc trước thầy Nuôi là hiệu trưởng, còn cô là giáo viên trường Tiểu học Lai Uyên. Cả 2 cùng nhau phấn đấu cống hiến cho nền giáo dục với những mong lớp lớp học sinh sẽ có thật nhiều kiến thức để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, đối với những em học sinh khuyết tật nhiều năm liền không đạt yêu cầu học tập, khi học với cô Tất thì các em được yêu thương, rèn luyện nhiều hơn nên ngày càng tiến bộ và tốt nghiệp đạt chuẩn.
Với tinh thần còn sức khỏe là còn phục vụ nhân dân, đất nước, sau khi về hưu, bà Tất tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương, kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, như: Hội thẩm nhân dân Tòa án huyện Bàu Bàng, Trưởng ban Công tác MTTQ khu phố, hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu giáo chức… Bà Tất cho biết, nhờ tham gia nhiều hoạt động nên bà có được nhiều kinh nghiệm vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; qua đó nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, phản ảnh lên cấp trên để có hướng giúp đỡ. Theo đó, khu phố của bà năm nào cũng đạt danh hiệu văn hóa, tinh thần người dân cũng phấn khởi hẳn lên.
Để mỗi thành viên trong gia đình đều là hạt nhân tích cực trong xã hội, thầy Nuôi và cô Tất luôn khuyên răn các con sống ở đời phải biết tôn trọng nhau, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau; ngoài ra, còn phải biết tôn kính ông bà, cha mẹ, dù đi đâu xa cũng phải nhớ về nguồn cội. “Với lợi thế gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống nên các con được khuyên răn, học hỏi nhiều kinh nghiệm hay từ người già và luôn xem người già là vốn quý của xã hội. Theo đó, ông bà, cha mẹ phải nêu gương cho con cái noi theo, sống chan hòa với mọi người, vị tha là trên hết”, bà Tất nói thêm.
Hạnh phúc là được sẻ chia
Nằm lọt trong rừng cao su xanh lá ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng, căn nhà của gia đình ông Phan Anh Dũng và bà Lê Thị Nga khá khang trang và đặc biệt là luôn đầy ắp tình yêu thương. Ông bà có 4 người con, đến nay đều đã có gia đình riêng ổn định. Ông bà hiện sống chung với vợ chồng người con trai út. Khi chúng tôi đến thăm nhà, người con dâu út rót nước mời mọi người, thoạt nhìn không ai biết đó là con dâu vì được ông bà xem như con gái ruột của mình. Đây cũng là điều mà bà Nga luôn lấy làm hạnh phúc vì mẹ chồng - nàng dâu đi đến đâu cũng được mọi người khen ngợi vì luôn đối xử tình cảm với nhau. Không chỉ con dâu út, tất cả những con dâu khác trong gia đình đều được ông bà yêu thương như nhau. Nhờ vậy, không khí gia đình bà luôn đầm ấm, hạnh phúc.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nuôi và bà Trương Thị Tất
Để có được cuộc sống hôm nay, vợ chồng ông Dũng bà Nga luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống để xây dựng cho con cái những nền tảng vững chắc ban đầu. Ông bà chia sẻ, trước đây cuộc sống gia đình cũng rất khó khăn nhưng ông bà luôn xác định dù vất vả cách mấy cũng phải ráng lo cho con cái có kiến thức. Vì thế, vừa làm rẫy, làm ruộng, ông bà vừa kiếm thêm việc khác để làm. “Làm gì cũng được, miễn sao kiếm thêm thu nhập để chăm lo, nuôi các con đi học’’, bà Nga chia sẻ.
Nhờ sự chịu khó, chăm chỉ của ông bà, cả 4 người con đều được ăn học đến nơi đến chốn, trong đó có 2 người con tốt nghiệp đại học. Ở địa phương, gia đình bà luôn được bà con lối xóm lấy làm gương trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ông bà cũng luôn răn dạy con cháu sống là phải cố gắng vươn lên, biết chăm lo, giữ gìn hạnh phúc gia đình và chia sẻ, giúp đỡ người khác khi có điều kiện. Chính cách sống giản dị, khiêm tốn, vui vẻ của ông bà đã ảnh hưởng tích cực đến con cháu. “Mình luôn làm gương sáng cho con cháu noi theo, sống hạnh phúc với nhau, hòa đồng với hàng xóm. Cuộc sống gia đình bây giờ cũng ổn hết rồi, nhưng bản chất nông dân cứ giục mình làm gì đó cho vui tay, vừa phụ giúp được việc gì đó để con cái yên tâm làm việc. Cô thấy, cuộc sống gia đình mình như vậy là mỹ mãn lắm rồi. Điều cô chú mong là con cháu mình trưởng thành, luôn yêu thương, biết chia sẻ với mọi người”, bà Nga nói.
MINH HIẾU - HỒNG THUẬN