Tập trung phòng chống hàng lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

Cập nhật: 24-12-2020 | 08:12:05

 Dịp cuối năm tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại (GLTM) càng diễn biến phức tạp. Thực tế đó đang yêu cầu công tác phòng, chống GLTM tập trung nhiều hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), bảo vệ doanh nghiệp (DN) và bình ổn thị trường.

 Lực lượng liên ngành kiểm tra hàng hóa tại Trung tâm thương mại Vincom Dĩ An

 Người tiêu dùng lo ngại

Những ngày cuối tuần, tại các khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn tỉnh trở nên nhộn nhịp, nhất là các khu vực tập trung đông dân cư như TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát. Ngoài việc NTD tranh thủ mua sắm sớm các loại hàng tiêu dùng, các DN, chủ cửa hàng cũng tăng cường vận chuyển hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của NTD. Chính vì vậy, dự báo gần tết cổ truyền, những mặt hàng người dân thường sử dụng như rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm… sẽ có nhiều đối tượng lợi dụng để tìm cách đưa những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài vào nội địa để tung ra thị trường, thu lợi bất chính.

Đây cũng chính là vấn nạn khiến NTD rất lo ngại, nhất là vào dịp cao điểm cuối năm. Chị Lê Thị Hai, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, cho biết: “Tôi chưa nắm chắc về cách nhận biết hàng thật, hàng giả nên khi mua hàng tiêu dùng tôi thường đến nơi bán quen thuộc, uy tín. Tuy nhiên, không phải người bán nào mình cũng quen biết nên chuyện mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng trong bối cảnh hàng hóa tràn lan trên thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.

Hiện nay, hệ thống mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM và các cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đang phát triển rất mạnh mẽ. Ngoài những đơn vị đáp ứng yêu cầu rõ ràng về nguồn gốc hàng hóa, vẫn còn những chủ cửa hàng sẵn sàng nhập những loại hàng hóa kém chất lượng để kinh doanh. Vì vậy, chất lượng hàng hóa khiến người dân khá phân vân. Chị Nguyễn Thị Vân, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết gia đình hay mua đồ ở chợ nên không thể kiểm soát được chất lượng của hàng hóa. Dịp cuối năm này rất mong cơ quan chức năng kiểm soát đầu vào tốt hơn để người dân yên tâm khi mua sắm, sử dụng.

Mở đợt cao điểm

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, trong đó ngành quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã lập nhiều kế hoạch trinh sát, giám sát, chốt chặn nên tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng hóa và đã phát hiện nhiều vụ việc GLTM. Theo đó, các vụ việc liên quan đến kho thịt heo thối, quần áo, giày dép giả nhãn hiệu Adidas, thuốc lá, khẩu trang kém chất lượng… đã được các ngành phát hiện, xử phạt kịp thời.

Ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng các mặt hàng thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh như găng tay y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn… tăng đột biến. Tại Bình Dương, xuất hiện tình trạng tái chế găng tay y tế số lượng lớn để bán từ nguyên liệu có dấu hiệu đã qua sử dụng tại nhà trọ, nhà xưởng cho thuê, có nguy cơ dễ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, tình trạng không niêm yết giá, tăng giá khẩu trang, lương thực thực phẩm thiết yếu quá cao, bất hợp lý cũng đã diễn ra. Người dân gọi đến cho cơ quan chức năng trong tâm trạng rất bức xúc do tình hình tăng giá bất hợp lý nêu trên. “Riêng đường dây nóng của Cục QLTT đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi. Cục đã đã chỉ đạo các Đội QLTT xác minh kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có thể nói, mặc dù lực lượng QLTT và các ngành chức năng đã có rất nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với diễn biến phức tạp trên thị trường”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, cuối năm là thời điểm hàng hóa nhập lậu chiếm số lượng lớn liên quan đến nhu cầu mua sắm tết tăng cao như thuốc lá, bánh kẹo, mứt, rượu, bia quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… Trên thị trường, hàng hóa nhập lậu không chỉ được bày bán ở vỉa hè, trên các trang mạng, cửa hàng, chợ truyền thống mà xuất hiện ở cả những TTTM sang trọng với nhiều hình thức tinh vi.

Lãnh đạo ngành QLTT dự báo thời gian tới tình hình hoạt động thương mại tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh sẽ rất sôi động. Khi đó, tình hình GLTM sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe người dân. Để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong những tháng cuối năm, ngành QLTT tỉnh đã và đang khẩn trương vào cuộc, chủ động quản lý, kiểm tra và kiểm soát thị trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, ngành QLTT còn phối hợp với các ngành chức năng, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện 7 nhiệm vụchủyếu. “Trong đó, tập trung lực lượng, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc địa bàn, thường xuyên trinh sát, giám sát các đối tượng, đường dây sản xuất, vận chuyển và kinh doanh những mặt hàng phi pháp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Sở Công thương, Cục Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ngành nông nghiệp… tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng làm bất ổn thị trường, phương hại đến lợi ích NTD”, ông Tùng khẳng định.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=451
Quay lên trên