Thủ tướng Thái Lan - ông Prayut Chan-o-cha, người đã bị đình chỉ chức vụ từ cuối tháng 8, vừa quay trở lại nhiệm sở sau khi được Tòa án Hiến pháp của nước này “bật đèn xanh” hồi cuối tuần trước.
Theo đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã trao cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha một chiếc “phao cứu sinh chính trị” với phán quyết cho phép ông ít nhất là được hoàn thành nhiệm kỳ hiện tại của mình. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là điều này có thực sự cứu vãn được tương lai chính trị của ông Prayut Chan-o-cha hay không?
Tương lai chính trị của Thủ tướng Thái Lan vẫn còn bất định.
Sự giải vây ngắn hạn...
Trong phán quyết đưa ra chiều 30-9, Tòa án Hiến pháp Thái Lan nêu rõ nhiệm kỳ của ông Prayut Chan-o-cha được tính từ ngày 6-4-2017 khi hiến pháp hiện hành bắt đầu có hiệu lực. Phán quyết này được đưa ra sau khi 9 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp Thái Lan bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ ủng hộ 6-9. Như vậy, thời gian giữ chức vụ Thủ tướng của ông Prayut tính đến ngày 24-8-2022 chưa quá thời hạn được quy định tại Điều 158, Khoản 4, Hiến pháp năm 2017. Do đó, tư cách thủ tướng của ông Prayut không bị chấm dứt theo Điều 170, Khoản 2 và Điều 158, Khoản 4 của Hiến pháp. Tòa án tuyên bố: “Căn cứ những lý do nêu trên, Tòa án Hiến pháp Thái Lan, với số phiếu đa số ủng hộ, phán quyết ông Prayut sẽ không bị miễn nhiệm thủ tướng".
Cho dù trên thực tế, ông Prayut đã là thủ tướng từ năm 2014 sau cuộc đảo chính quân sự cùng năm, nhưng tới năm 2017, bản hiến pháp quy định giới hạn nhiệm kỳ 8 năm cho thủ tướng mới được ban hành. Tóm lại, tòa án đã phán quyết rằng giới hạn nhiệm kỳ chỉ nên áp dụng vào thời điểm hiến pháp có hiệu lực.
Sau phán quyết, ông Prayut viết trên tài khoản Facebook của mình: "Tôi hoan nghênh phán quyết của tòa án và tôi cảm ơn tất cả những người dân Thái yêu quý của tôi đã đem lại cho tôi một sự khích lệ lớn. Tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để thúc đẩy đất nước của chúng ta hướng tới thịnh vượng, tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ tiếp theo của chúng ta".
Phán quyết trên có lẽ như một sự giải vây ngắn hạn cho vị thủ tướng 68 tuổi, người đã bị tòa án đình chỉ nhiệm vụ kể từ ngày 24-8. Thực tế, ông vẫn tham dự hầu hết các cuộc họp nội các hằng tuần với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi Phó Thủ tướng - tướng Prawit Wongsuwan đảm nhận vai trò thủ tướng.
Phán quyết của tòa án mở đường cho ông Prayut đăng cai diễn đàn APEC vào tháng 11 và một cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tiến hành nhanh chóng sau khi sự kiện này kết thúc.
Cho đến trước khi có phán quyết, nhiều người tin rằng ông Prayut sẽ cố gắng tái đắc cử thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo (nhiệm kỳ của Hạ viện hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 3 năm sau). Trong kịch bản đó, ông Prayut hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện để giúp ông trở lại nắm quyền. Các thành viên của Thượng viện đã được chính quyền quân sự lựa chọn sau cuộc đảo chính năm 2014 và được trao quyền theo hiến pháp để cùng các nghị sĩ bầu thủ tướng.
“Lời cảnh tỉnh” cho ông Prayut?
Mặc dù các quy tắc bầu cử vẫn ủng hộ ê-kíp của đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (đảng Palang Pracharath - PPP), do quân đội của ông Prayut hậu thuẫn, duy trì quyền lực, nhưng nhóm này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) được hậu thuẫn bởi ông Thaksin Shinawatra trong bối cảnh đồng minh của ông này đã giành được nhiều ghế nhất trong mọi cuộc bầu cử diễn ra suốt thập kỷ qua.
Từ hậu trường, những tác nhân bên ngoài như cựu lãnh đạo Thaksin Shinawatra vẫn đang tìm kiếm ảnh hưởng và đặt cược vào trò chơi chính trị của riêng họ.
Khi Thái Lan bắt đầu nỗ lực để vượt qua những biến động kinh tế toàn cầu dự kiến bùng phát trong vài năm tới, nhiều người Thái có lẽ hy vọng một cuộc bầu cử vào một thời điểm nào đó trong vài tháng tới sẽ chứng kiến sự ra đi của một nhà lãnh đạo vốn bị một bộ phận đánh giá là một người lính giỏi hơn là một chính trị gia tốt.
Suốt thập kỷ qua, người dân Thái đã mong mỏi một cuộc tổng tuyển cử và ngay cả nền tảng ủng hộ của ông Prayut là tầng lớp trung lưu cũng bắt đầu mệt mỏi với ông và một chính phủ chưa bao giờ thực sự thoát ra khỏi khủng hoảng. Ở Thái Lan, nếu bạn thất bại trong một cuộc bầu cử, bạn sẽ mất tất cả...
Mặc dù các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ gây chấn động xã hội Thái Lan trong năm 2020 đã tạm dừng vì những bản án nghiêm khắc áp đặt với các nhà hoạt động lãnh đạo, phán quyết hôm 30/9 vừa qua đã khơi dậy sự bức xúc trên các phương tiện truyền thông xã hội và một số nhóm đã đe dọa sẽ kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình. Một nhóm biểu tình có tên gọi Ratsadon đã kêu gọi mọi người mặc đồ đen và xuống đường trong tuần này để bày tỏ sự "thương tiếc cho cái chết của tương lai Thái Lan".
Về phần mình, phe đối lập vẫn khăng khăng cho rằng lẽ ra phải áp dụng hồi tố vào thời điểm ông Prayut lần đầu tiên trở thành thủ tướng vào tháng 8/2014, có nghĩa là nhiệm kỳ của ông Prayut đã chấm dứt từ tháng 8/2022.
Theo Hiến pháp Thái Lan, thủ tướng được lựa chọn trong một phiên họp chung của quốc hội từ danh sách các ứng cử viên do các đảng chính trị đệ trình. Ông Prayut đã được bầu dưới lá cờ của PPP, thành viên cốt lõi của liên minh cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
Tuy nhiên, phán quyết của tòa án chắc chắn đã tước bỏ động lực của ông Prayut vì sẽ giới hạn nhiệm kỳ mới của ông - trong trường hợp ông được bầu lại làm thủ tướng - xuống chỉ còn 2 năm. Các nhà phân tích chính trị tin rằng sẽ rất khó để ông Prayut vận động tranh cử trên cơ sở đó. Họ cũng coi quyết định của tòa án ngày 30-9 là một "lối thoát nhẹ nhàng" cho thủ tướng. Theo giới phân tích, mặc dù quyết định của tòa án mang lại cho ông Prayut tính hợp pháp chính trị cần có để hoàn thành nhiệm kỳ của mình, nhưng phán quyết cũng sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh về chính trị đối với ông trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông từ chức.
Kể từ khi bị loại khỏi vai trò thủ tướng, ông Prayut đã duy trì thái độ kiềm chế nhưng vẫn khẳng định tính hợp pháp chính trị của mình.
Theo CAND