Thầm lặng giữ rừng giữa thời công nghiệp hóa

Cập nhật: 08-02-2021 | 22:10:01

 Những ngày cuối năm 2020, chúng tôi có dịp về các huyện phía bắc của tỉnh. Xuất phát từ Thủ Dầu Một lúc 5 giờ sáng, đến khu vực rừng thuộc quản lý của Hạt Kiểm lâm Phú Giáo - Tân Uyên cũng là lúc ánh bình minh vừa hé. Sâu trong những cánh rừng xanh bạt ngàn là tiếng hót líu lo của những chú chim đón chào ánh ban mai tươi sáng.

 Cán bộ Hạt Kiểm lâm Phú Giáo - Tân Uyên đang tuần tra rừng tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên

Những chuyến tuần tra đêm

Nép mình bên những cánh rừng nằm trong tiểu khu 23B thuộc địa bàn xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên) là chốt kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Phú Giáo - Tân Uyên. Đây là nơi để 10 cán bộ kiểm lâm thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ, kiên trì thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Thấy đoàn ghé thăm, những cán bộ kiểm lâm đang công tác tại Hạt Kiểm lâm Phú Giáo - Tân Uyên vừa trở về sau một chuyến tuần tra khu vực rừng ra tiếp đón thân tình. Họ vui mừng bắt tay từng người như thể vừa gặp lại những người thân xa cách lâu ngày. Nhìn nét mặt khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng của những người làm công tác chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ rừng, không mấy ai nghĩ rằng những cán bộ kiểm lâm này vừa thực hiện xong một buổi tuần tra gần 50km quanh các cánh rừng.

Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ kiểm lâm cho biết việc thực hiện những chuyến tuần tra rừng không chỉ bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng mà còn là những cuộc tuyên truyền dung dị theo kiểu nông dân tới những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực rừng. Ông Bùi Tiến Dũng, cán bộ kiểm lâm địa bàn, cho biết họ (những hộ dân sống xung quanh rừng) chính là những cộng tác viên giúp lực lượng kiểm lâm bảo vệ và gìn giữ rừng bấy lâu nay.

Ông Nguyễn Bình Dương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Giáo - Tân Uyên, cho biết thời gian tới khi bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết sẽ trở nên nắng nóng và oi bức dễ phát sinh tình trạng cháy rừng nên hạt sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực để phòng ngừa. Theo đó, bên cạnh việc tổ chức liên tục các chuyến tuần tra ngày đêm, đơn vị cũng thực hiện việc cày luống để vùi lấp cỏ, lá cây khô để giảm khả năng bắt lửa, cháy lan trong khu vực rừng.

Dù là địa phương không có nhiều tình trạng vi phạm về lấn chiếm và phá rừng, nhưng nhiều năm qua, Bình Dương luôn chú trọng thực hiện công tác trồng mới và bảo vệ rừng. Trong đó, bên cạnh chiến lược phủ xanh đô thị, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác duy trì tỷ lệ phủ xanh cây lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 57,5%. Đặc biệt là công tác trồng và bảo vệ rừng ở khu vực các huyện phía bắc của tỉnh.

 Ông Phạm Văn Bông (bìa phải), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm rừng trồng 1 năm tuổi tại Hạt Kiểm lâm Phú Giáo - Tân Uyên

Quyết giữ màu xanh hy vọng

Được biết đến là một địa phương có nền kinh tế phát triển năng động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, lâu nay Bình Dương là điểm đến lý tưởng của nhiều thế hệ lao động ngoài tỉnh. Cơ hội việc làm, an sinh xã hội là những yếu tố quyết định để những người lao động quyết định ly hương để đến đất Thủ lập nghiệp, nhưng một lý do để thuyết phục họ hơn hết là bởi môi trường sống ở xứ sở này vẫn còn khá trong lành ngay giữa những khu, cụm công nghiệp.

Giữa thời kỳ ô nhiễm khí thải, ô nhiễm nước thải và thiếu mảng xanh trầm trọng, để có được những “nốt xanh” ấy, là sự quyết tâm của tỉnh trong nhiều năm về việc đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại lâm nghiệp. Trong đó tỉnh chú trọng việc tập trung thực hiện các giải pháp khoanh nuôi, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, giữ vững tỷ lệ che phủ lâm nghiệp để người dân được hít thở bầu không khí trong lành.

Báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, để tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5%, thời gian qua các cán bộ kiểm lâm đã phải thực hiện hàng ngàn cuộc tuần tra, kiểm tra bất kể ngày đêm đến các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ bị chặt phá, xâm lấn hoặc chiếm dụng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền về ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng tới người dân sinh sống trong khu vực rừng trọng điểm, nhắc nhở khách tham quan du lịch, các hộ sống xâm canh trong và ven rừng, những hộ buôn bán xung quanh chùa Thái Sơn (rừng phòng hộ Núi Cậu) có ý thức bảo vệ rừng. Nhiệt huyết của những người cán bộ kiểm lâm ngày đêm giữ rừng cùng với sự hưởng ứng, đồng tình của người dân đã tạo nên một “làn sóng xanh” giúp việc duy trì, bảo vệ rừng đạt được kết quả tốt. Cũng từ tin báo của người dân mà lực lượng kiểm lâm khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu đã ngăn chặn kịp thời hoạt động chặt phá, lấn chiếm rừng, khai thác tài nguyên rừng trái phép của một số đối tượng.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để tăng cường tỷ lệ che phủ diện tích lâm nghiệp, thời gian tới ngành sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh hồ sơ giao khoán rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP tại tiểu khu 13 - 14 xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết những vướng mắc và những quy định trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 623 ha rừng phòng hộ còn lại.

 Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.670 ha diện tích rừng và đất chưa có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp; đang thực hiện khoanh nuôi tái sinh khoảng 376 ha rừng, diện tích rừng trồng nhiều năm khoảng 63 ha; chăm sóc rừng trồng 141 ha; trồng cây phân tán được 12.465 cây. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương vận động người dân tích cực tăng cường trồng và phát triển mảng xanh đô thị để giúp hấp thụ khói bụi, khí thải, qua đó người dân sẽ được sống, làm việc và hít thở trong một bầu không khí trong lành, sạch sẽ.

ĐÌNH THẮNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=791
Quay lên trên