Thiêng liêng tình yêu biển đảo

Cập nhật: 08-02-2021 | 22:10:01

Cù lao Rùa hay cù lao Thạnh Hội (TX.Tân Uyên) từ lâu đã là một không gian tuyệt vời cho những chuyến dã ngoại cuối tuần của du khách khi muốn thưởng thức phong cảnh làng quê, sông nước, cây trái, ruộng vườn. Và, hôm nay đến Thạnh Hội, du khách tản bước trên tuyến đường để không chỉ đắm mình trong yên bình thôn dã mà còn thêm một lần trải nghiệm tình yêu biển đảo quê hương qua những tấm bản đồ được dựng ngay ngắn bên đường. Đó không phải là một sản phẩm du lịch đơn thuần mà là “tác phẩm” của một người con xứ cù lao mang trong mình tình yêu biển đảo thiêng liêng…

 Tuyến đường 05 Thạnh Hội, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên được người dân nơi đây và du khách gọi với cái tên trang trọng: “Đường chủ quyền”

 “Đường chủ quyền”

“Đường chủ quyền” hay “đường bản đồ” là cách gọi hình tượng của người dân và du khách về con đường Thạnh Hội 05 (xã Thạnh Hội). Sở dĩ có tên gọi ấy là bởi dọc tuyến đường được bày trí hàng chục tấm bản đồ. Đó là những tấm bản đồ thể hiện chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhìn từ xa như một cuộc triển lãm ngoài trời vậy. Người dân ở cù lao Rùa hay du khách khi ngang qua tuyến đường này đều có thể dừng chân nhìn ngắm dáng hình đất nước, biển đảo quê hương hiện diện trên những tấm bản đồ được làm bằng gốm sứ rất độc đáo.

40 tấm bản đồ gốm được gắn dọc tuyến đường 05 Thạnh Hội là kết quả sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng cùng tình yêu thiêng liêng với chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước của nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai, cũng là người con của vùng đất giàu truyền thống cách mạng và nổi tiếng hiếu học - cù lao Thạnh Hội.

Ông Bé nói, ý tưởng trưng bày những tấm bản đồ bằng gốm dọc tuyến đường quê Thạnh Hội đã có từ lâu nhưng chỉ đến khi nghỉ hưu ông mới có thời gian và điều kiện để thực hiện. Ý tưởng của ông Bé đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đó là niềm khích lệ lớn đối với ông, nhưng khi bắt tay thực hiện ý tưởng quả không mấy dễ dàng. Để có được những tấm bản đồ gốm đặt dọc tuyến đường 05 như hôm nay, ông Bé đã cất công tìm kiếm, nghiên cứu những tấm bản đồ được xuất bản, công bố và lưu hành phổ biến đến vị trí và cách lắp đặt làm sao để mọi người dễ dàng tìm hiểu, khám phá. Nhưng theo ông Bé, công đoạn khó khăn nhất là việc nung gốm, vì khâu này đòi hỏi kỹ thuật rất cao để không chỉ bảo đảm màu sắc mà quan trọng nhất là tính chính xác của bản đồ. Trong kỹ thuật nung gốm, việc nổ đường chỉ khi nung ở nhiệt độ cao là không thể tránh khỏi. Vì vậy mà một số tấm phải làm đi làm lại để bản đồ vừa bảo đảm màu sắc mà các chi tiết vẫn như bản đồ gốc trên giấy vậy. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất trong suốt quá trình làm tuyến đường bản đồ, song chỉ có gốm sứ mới chịu được mưa nắng.

 “Đường chủ quyền” đã trở thành nơi giáo dục tình yêu quê hương, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Trong ảnh: Nhiều học sinh thích thú khi đến tham quan “đường chủ quyền”

Thêm yêu Tổ quốc mình…

40 tấm bản đồ là 40 nội dung khác nhau được trích từ cuốn sách “Hoàng Sa - Trường Sa, luận cứ và sự kiện” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc và cuốn “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Bên cạnh những tấm bản đồ thể hiện phần lãnh thổ đất liền, phần biển có nhiều đảo, quần đảo, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ở đây còn có cả tấm bản đồ Trung Quốc năm 1910 không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và có cả những tấm bản đồ thể hiện vùng lãnh thổ của các nước châu Á… Tất cả những tấm bản đồ này đều có phần trích lục tên tác giả, năm lập, cũng như tỷ lệ, chủ đề... Nhờ đó mà mỗi tấm bản đồ là một minh chứng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam một cách rõ ràng, xác thực. “Đường chủ quyền 05” xã Thạnh Hội giờ đây còn có một chức năng đặc biệt là “chở” những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước đến với mọi người.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài tuyến đường 05 ở xã Thạnh Hội, còn 2 điểm được trưng bày những tấm bản đồ gốm là Bảo tàng Đồng Nai và ở đảo Trường Sa Lớn. Theo lãnh đạo xã Thạnh Hội, kể từ khi hoàn thành tuyến đường bản đồ, đã có nhiều đoàn du khách, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu với tình cảm trân trọng xen lẫn niềm tự hào đối với chủ quyền, biển đảo quê hương. Trong một lần đến sinh hoạt giao lưu với Câu lạc bộ “Chúng tôi yêu biển đảo của Tổ quốc” xã Thạnh Hội, Đại tá Đỗ Hồng Duyên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân đã không giấu được niềm xúc động và tự hào khi tham quan tuyến đường có gắn những tấm bản đồ về chủ quyền biển đảo ở xã Thạnh Hội. “Những tấm bản đồ này không những rất có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà còn mang ý nghĩa giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đoàn viên thanh niên và các cháu thiếu niên nhi đồng trong toàn xã về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, về công sức của cha ông, về trách nhiệm của tuổi trẻ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo…”, Đại tá Đỗ Hồng Duyên chia sẻ.

Không chỉ những người đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc như Đại tá Duyên mà ai đến tham quan tuyến đường này đều không khỏi trào dâng cảm xúc tự hào. Những cảm xúc như khi đang đứng ở Trường Sa Lớn giữa muôn trùng sóng vỗ hay nơi rừng dương bạt gió ở địa đầu Móng Cái… thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Công trình đường bản đồ ở xã Thạnh Hội vì thế không những cung cấp chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Tổ quốc mà còn khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên