Thành công nhờ lòng kiên trì

Cập nhật: 15-11-2012 | 00:00:00

Mặc dù đã bước qua tuổi 60, nhưng cô Lâm Thị Thanh Vân vẫn là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Nhờ mạnh dạn đầu tư, chịu khó học hỏi cô Vân đã thành công khi biến mảnh đất bỏ hoang của mình thành vườn hoa lan, đem lại thu nhập cao cho gia đình sau những lần thất bại.

Năm 2004, cô Vân quyết định đầu tư trồng hoa lan trên mảnh vườn đang bỏ hoang của gia đình nhằm tạo công ăn việc làm cho các con và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với số vốn hơn 100 triệu đồng từ tiền bán 2 mẫu cao su và dành dụm được trước đó, cô mua hơn 1.000 cây lan về trồng. Do chưa có kinh nghiệm trồng lan, cô Vân đã không tránh khỏi thất bại. Nhớ lại ngày đó, cô kể: “Ai đời trồng lan mà cô không hề biết chút xíu về kỹ thuật trồng cũng như cách lựa chọn giống sao cho thích hợp với điều kiện khí hậu và môi trường, nên cô làm đâu trật đó. Toàn bộ vườn lan của cô hư hết. Lần đó, cô mất trắng số vốn đã đầu tư. Sau đó, được sự động viên của nhiều người nên cô trồng lại vì cho đây là loại cây trồng có giá trị cao. Mặt khác, thời điểm đó con trai cô cũng đã kết thúc một khóa đào tạo trồng hoa lan ở trường Thanh Tâm (TP.HCM) và nó cũng mong cô đầu tư trồng lan trở lại, nhưng khuyên cô nên chọn giống lan mokara để trồng. Nghe theo lời khuyên của mọi người, cô quyết định bán hết 6 mẫu cao su để trồng lan. Lần này, để rút tỉa kinh nghiệm cô chỉ trồng thử 1.000 cây. Ngoài việc áp dụng những kiến thức mà con trai cô đã học được ở trường, cô còn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các vườn lan khác. Hai năm sau, khi đã có chút kinh nghiệm với cây lan, cô đã mạnh dạn mở rộng diện tích gần 1.000m2, trồng gần 20.000 cây lan mokara ”.  

 Cô Vân đang chăm sóc vườn lan

Hiện tại, bình quân mỗi ngày vườn lan của cô Vân cắt được từ 300 đến 400 cành hoa cung cấp cho thị trường, cành dài giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/cành tùy theo màu và bông, cành ngắn giá thấp nhất là 6.000 đồng/cành. Ngoài bán hoa cành, cô Vân còn làm và bán cây lan giống với giá bình quân từ 40.000 đến 50.000 đồng/cây. Cô Vân cho biết, vào những ngày lễ tết, vườn lan của cô nườm nượp khách đến mua lan, có lúc không đủ hàng để giao cho khách.

Hàng năm, vườn lan của cô Vân còn cung cấp cho thị trường lan chậu chưng trong nhà. Năm nay, các con cô đang chuẩn bị trên 100 chậu lan phục vụ Tết Nguyên đán. Dự kiến giá bán bình quân mỗi chậu lớn từ 4 - 5 triệu đồng; chậu nhỏ từ 3 - 4 triệu đồng. Khoảng 20 tháng chạp âm lịch là có thể xuất bán được.

Nhờ vào lòng kiên trì mà cô Vân đã thành công với cây lan và đem về thu nhập cao cho gia đình. Cũng nhờ vườn lan này mà mấy người con của cô không còn lo thất nghiệp như trước. Chia sẻ kinh nghiệm để có được thành công như ngày nay, cô Vân nói ngắn gọn: “Cây lan mokara sống chủ yếu là nhờ nước. Do vậy, mỗi ngày phải tưới 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Những ngày có mưa thì không cần phải tưới thêm nước cho cây. Mỗi tuần tưới một lượt phân để cung cấp dưỡng chất cho cây”. Để theo kịp thị trường, khi có giống lan mokara mới, cô Vân đều tìm cách lùng mua cho được để gây trồng. Chia sẻ những dự tính của mình trong thời gian tới, cô Vân cho biết sẽ mở rộng thêm gần 2.000m2 diện tích trồng lan. Hiện tại, ngoài thời gian chăm sóc vườn lan, cô Vân còn tích cực tham gia những hoạt động của Hội Nông dân phường. Với những thành tích nêu trên, cô Vân đã được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu.

 

 PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên