Với suy nghĩ “làm nông nghiệp là không bao giờ nản”, anh Bùi Văn Minh (khu phố 7, thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên) là người duy nhất dám đầu tư trồng thử nghiệm nấm mèo rồi đến nấm bào ngư, nấm linh chi... thành công và trở thành hộ đầu tiên ở huyện Tân Uyên nhận được sự đầu tư từ trường ĐH Công nghiệp TP.HCM để triển khai dự án “Chuyển giao kỹ thuật trồng và hướng dẫn chế biến một số sản phẩm từ nấm ăn tại huyện Tân Uyên” với nhiều kết quả đáng mừng.
Nấm bào ngư hiện được hộ anh Minh bán ra thị trường với giá 20.000 đồng/kg
“Máu” kinh doanh
Ngay từ khi còn là sinh viên khoa kiến trúc (trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), anh Bùi Văn Minh đã có những suy nghĩ để tìm bước kinh doanh. Trong suốt 3 năm đi học, anh cùng mấy người anh em đi... vay vốn để kinh doanh. Thất bại đầu tiên trong đời đã khiến anh Minh bỏ học để đi làm kiếm sống. Sau khoảng thời gian đó, anh xin làm công nhân và những tưởng gắn bó lâu dài với công việc được cho là ổn định ấy, nhưng làm chưa được bao lâu thì “máu” kinh doanh của anh lại trỗi dậy khi thấy mô hình trồng nấm khá bài bản của người anh họ ở Long Khánh (Đồng Nai). Anh Minh tới xem và tìm thêm tài liệu rồi về trồng nấm mèo nhưng chẳng hiểu sao người ta trồng thì cho cây nấm to, dày, còn anh trồng mà cây nấm xấu và lép xẹp. Năm 2004, từ 2 trại nấm ban đầu anh đã mở rộng diện tích nhà trại lên con số 5 (180m2/trại). Đầu tư kỹ thuật từ khâu vệ sinh chuồng trại, cách pha trộn, hấp, cấy meo, treo ủ và thời gian để ra nấm... Thời gian đầu, do còn chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình trồng thì nấm bị sâu bệnh, anh đã dùng phương pháp truyền thống là phun thuốc trừ sâu cho nấm. Ngay lập tức nấm có mùi hôi và bị co lại do rất mẫn cảm với thuốc trừ sâu. Vậy là anh thua ngay từ vụ đầu tiên...
Thay đổi phương pháp
Từ suy nghĩ “nghề dạy nghề, rút kinh nghiệm từ từ ắt sẽ nên”, anh không nản chí mà tiếp tục tìm hiểu sâu hơn. Anh nói: “Hồi đó, mình thất bại hoàn toàn nhưng nghĩ là sẽ không nản. Bởi làm nông mà dễ nản thì hỏng nên mình lại đi vay vốn của anh em và trồng tiếp...”. Lần này anh chuyển sang trồng nấm bào ngư vì nhu cầu thị trường khá chuộng. Hiện, mỗi năm trung bình hộ anh Minh thu 3 vụ nấm, đầu ra chủ yếu là ở chợ Tân Uyên (100kg/ngày), số còn lại sẽ mang xuống chợ đầu mối TP.HCM và các chợ nhỏ lẻ.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm, anh cho biết tùy vào điều kiện khí hậu, nguồn nước, cách vệ sinh chuồng trại và cách pha trộn nguyên liệu mà quyết định sự thành bại của cả vụ. Với quy mô diện tích chuồng trại hiện nay, hộ anh Minh đã lắp đặt 100% diện tích hệ thống tưới phun sương tự động hoàn toàn. Với hệ thống này, việc điều tiết môi trường của trại sẽ tạo thuận lợi hơn cho meo nấm phát triển. Do vậy, hiện ngoài trồng nấm bào ngư, anh Minh đã đầu tư trồng thêm nấm linh chi. Tuy thời gian cho thu hoạch lâu hơn (6 tháng) nhưng giá thành bán cao hơn nhiều lần (600.000 đồng/kg) mà kỹ thuật cũng không khác là mấy so với trồng nấm bào ngư. Trung bình, trại nấm của anh thu hoạch khoảng 200kg/ngày. Đỉnh điểm là vào tháng 3-2010, gia đình anh thu hoạch trong 2 ngày đạt 2,5 tấn nấm. Với sự phát triển mau lẹ, cùng với kinh nghiệm được tích lũy dần dần và lòng kiên trì với nghề mà năm 2010, trại nấm của anh Minh đã được Viện Công nghệ thực phẩm của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM triển khai dự án “Chuyển giao kỹ thuật trồng và hướng dẫn chế biến một số sản phẩm từ nấm ăn tại huyện Tân Uyên”.
Hiện tại, trại nấm của anh đang mở rộng thêm lò sấy nấm khô, nấm sản xuất ra sẽ được hướng dẫn để chế biến nước tương, làm khô bò chay... và trong tương lai gần sẽ trở thành mô hình điểm của cả huyện. Khi các hộ nông dân trong huyện có nhu cầu tham khảo và học hỏi kinh nghiệm sẽ được anh Minh hướng dẫn cách trồng và chăm sóc tận tình...
Thanh Lê