Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu thế chủ đạo trên thế giới. Xu hướng này mang lại nhiều tiện ích, tiện lợi cho cả khách hàng và nhà cung cấp sản phẩm. Tuy vậy, để người dân tích cực thực hiện xu hướng này, các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Siêu thị, ngân hàng sớm vào cuộc
Hiện nay, các hệ thống siêu thị, ngân hàng… phối hợp tổ chức hàng loạt ưu đãi, từ hoàn tiền, giảm giá, miễn phí vận chuyển… dành cho khách hàng. Ông Hoàng Long, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một), cho biết hệ thống Co.opmart (hệ thống siêu thị bán lẻ của Việt Nam trực thuộc Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)) đang triển khai 3 chương trình khuyến mại liên quan đến việc mua sắm không dùng tiền mặt.
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY
Theo đó, khách hàng thành viên Saigon Co.op và là chủ thẻ hợp lệ của các đối tác nói trên, khi thực hiện giao dịch thanh toán hóa đơn mua sắm dưới các hình thức “không tiền mặt” trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra sẽ được tặng ngay vào tài khoản tích lũy từ 50 đến 100 điểm thưởng theo giao dịch trong ngày. Với đối tác Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBANK), từ ngày 16 đến 23-6 chủ thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế VPBANK được hoàn tiền 10% cho mỗi giao dịch từ 300.000 đồng trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra, tối đa mỗi khách hàng được hoàn 100.000 đồng trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Chương trình được Saigon Co.op cùng các đối tác quảng bá trên các kênh truyền thông tại siêu thị và kênh online nhằm tiếp cận một cách hiệu quả nhất và khuyến khích khách hàng chuyển dịch hành vi thanh toán theo định hướng tiện lợi và an toàn hơn.
Đối với các ngân hàng, hiện đã mở nhiều chương trình ưu đãi để khuyến khích khách hàng không dùng tiền mặt. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có chương trình “Tiền mặt chỉ là quá khứ”. Theo đó, khách hàng cá nhân tại ngân hàng được tặng phí quản lý tài khoản New Combo; tặng 6 tháng phí quản lý tài khoản New Combo cho khách hàng lần đầu đăng ký sử dụng gói New Combo; miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử… Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang có chương trình “Mở ví MoMo”, với ưu đãi tặng voucher (phiếu đã trả tiền) tổng giá trị 200.000 đồng cho khách hàng lần đầu tiên kết nối thành công tài khoản của ngân hàng với ví MoMo; quay số may mắn, áp dụng cho khách hàng đáp ứng ưu đãi 1 và có phát sinh giao dịch trên ví MoMo. Với mỗi giá trị giao dịch 50.000 đồng, khách hàng sẽ nhận được 1 mã dự thưởng của ngân hàng để quay số theo tuần/cuối chương trình.
Nhiều người chưa quen phương thức mới
Dù các siêu thị, ngân hàng có nhiều chương trình khuyến mại khuyến khích người dân khi mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt nhưng ghi nhận cho thấy, việc thanh toán bằng tiền mặt hiện vẫn là chủ lực của khách hàng khi mua sắm. Tại các quầy thanh toán tiền của các siêu thị trên địa bàn tỉnh, số lượng khách hàng dùng thẻ để thanh toán rất ít.
Lý giải điều này, nhiều khách hàng cho rằng vì họ có thói quen trả bằng tiền mặt. Theo chị Nguyễn Thị Kim Anh, ở phường An Thạnh, TX.Thuận An, nhiều người khi đi mua sắm không dùng thẻ thanh toán vì lâu nay đã quen với việc dùng tiền mặt. “Tôi vẫn quen đến cây ATM rút tiền để vào siêu thị mua sắm. Quen vậy rồi, vì mình không muốn ký vào giấy tờ (ký vào phiếu thanh toán), nhì nhằng lắm”, chị Anh nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Minh, trường Đại học Thủ Dầu Một, dưới góc độ phát triển kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt là yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, giảm thiểu các hoạt động tiêu cực. Với giải pháp này, ngân hàng tận dụng tốt hơn nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Phương thức thanh toán này tiện lợi, nhanh, phù hợp với cuộc sống hiện nay; đồng thời thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ phát triển; tiết kiệm thời gian, công sức cho các chủ thể tham gia...
“Công khai, rõ ràng, minh bạch các nguồn tiền, nguồn thu nhập là cơ sở cho một nền kinh tế thị trường lành mạnh, một xã hội văn minh. Bớt dùng tiền mặt, từng cá nhân cũng có thể tham gia vào việc lớn như kiểm soát lạm phát. Hiện Ngân hàng Nhà nước phải in tiền mặt đủ để mỗi người cất trong bóp một ít. Tiền trên tài khoản của mỗi người tích tiểu thành vốn “khủng” cho nền kinh tế với lãi suất rẻ, giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt lượng tiền trong lưu thông, từ đó giữ lạm phát ở mức thấp”, tiến sĩ Minh lý giải. Ông cũng cho rằng, ở những tỉnh, thành có công nghiệp phát triển như Bình Dương có lợi thế khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, vì lượng tiền lương trả qua thẻ cao.
Tiến sĩ Minh đề xuất Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp, người dân để có nhiều hoạt động, dịch vụ hỗ trợ trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Khi Chính phủ quyết tâm thực hiện thì phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chắc chắn thực hiện tốt; giống như đưa điều khoản bắt buộc đội mũ bảo hiểm vào cuộc sống.
TIỂU MY