Câu chuyện tiếp cận vốn ngân hàng chưa bao giờ hết “nóng”, dù thời gian qua hệ thống ngân hàng đã tháo gỡ nhiều thủ tục, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn cho rằng còn nhiều rào cản, thiếu vốn để thúc đẩy sản xuất, tăng việc làm cho người lao động.
Các ngân hàng thương mại đang triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Bình Dương
Nhiều rào cản
Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh, cho biết hầu hết các DN khó tiếp cận vốn ngân hàng vì đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, đối với DN vừa và nhỏ có tài sản cố định đã được đưa vào thế chấp vay vốn trước đó, hoặc DN thuê nhà xưởng không thể có tài sản thế chấp. Vì vậy, chỉ còn hình thức tín chấp mới có thể giải quyết nhu cầu vốn. Vay tín chấp cũng phải có phương án kinh doanh tốt và dòng tiền khả thi trong tương lai cùng với đó là các cam kết khác mới có thể vay được. Các điều kiện này khiến DN cứ mãi trong vòng quay tìm vốn.
Tương tự, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho biết việc tiếp cận vốn hiện còn nhiều hạn chế. Đơn cử, DN nhỏ có nhu cầu vay vốn để sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện vì quy mô sản xuất nhỏ, lao động ít, không có tài sản thế chấp. DN còn gặp khó khăn thời gian để hoàn tất thủ tục tương đối dài so với nhu cầu mang tính thời vụ của sản xuất, thủ tục thế chấp cũng là trở ngại… “Theo tôi, ngoài việc căn cứ vào tài sản thế chấp, các ngân hàng cũng nên căn cứ vào hợp đồng cung ứng sản phẩm của DN với các đối tác, hoặc căn cứ vào doanh thu để cấp tín dụng, nhằm tạo điều kiện cho các DN có vốn sản xuất”, ông Trần Thành Trọng kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (Bifa), để DN tiếp cận được vốn, ngân hàng nên có chính sách cho vay riêng. Với DN chỉ có vài chục nhân công, quy mô vốn vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, phương án kinh doanh, nhu cầu sử dụng và quản lý vốn... khác xa với các DN có quy mô hàng ngàn tỷ đồng. Do đó, quy trình thẩm định xem xét hồ sơ vay, điều kiện vay đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ phải khác so với các DN lớn. Nguyên tắc chung là ngân hàng vẫn bảo toàn được vốn, nhưng cần tạo cơ hội cho DN vay vốn để tạo việc làm, đóng góp phát triển kinh tế.
Chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn về vốn của DN, các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết thời gian qua, khách hàng vay vốn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, ngân hàng áp dụng mức lãi suất ngắn hạn VND từ 4 - 8%/ năm; trung dài hạn VND từ 10,3 - 11,4%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi thấp nhất 5,3%/năm, cao nhất 9,6%/năm và cho vay ngắn hạn đô la Mỹ từ 3,2%/năm. Với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, tính đến cuối tháng 9-2023, Vietcombank Bình Dương đạt doanh số cho vay 578,87 tỷ đồng, dư nợ 333,97 tỷ đồng với tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất 1,8 tỷ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, hiện ngân hàng vẫn xem xét thẩm định cấp tín dụng tài trợ nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh căn cứ vào phương án vay vốn và các hồ sơ chứng minh tính khả thi, hiệu quả của dự án. Tài sản thế chấp chỉ là một trong những điều kiện phòng ngừa rủi ro để xử lý thu hồi nợ. Trong quá trình vay vốn, khách hàng phát triển được sản phẩm mới, đối tác mới làm cho doanh thu dự kiến tăng hơn so với phương án ban đầu, Vietcombank Bình Dương sẵn sàng xem xét tăng hạn mức tín dụng. Ngoài ra, Vietcombank Bình Dương cũng có chính sách tín dụng và các gói giải pháp tài chính riêng phù hợp với từng đối tượng, nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương, cho biết thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN, nhằm để hỗ trợ DN tiếp cận các gói vay các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khác để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN. NHNN thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để đối thoại trực tiếp. Có rất nhiều khách hàng DN được gỡ khó, tiếp cận được vốn ưu đãi.
THANH HỒNG